8 nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng tâm năm 2023

STNN – Trong hai ngày 16 – 17/3 tại tỉnh Bình Định, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức “Hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ toàn quốc năm 2023”. Hội nghị đã đề ra 8 nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng tâm năm 2023 nhằm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ – Hình minh họa.

Chương trình có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ KH&CN, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN; Giám đốc 63 Sở KH&CN của các tỉnh, thành phố; các cán bộ quản lý công tác ở các địa phương của các Sở KH&CN.

Hội nghị nhằm tổng kết đánh giá kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các địa phương năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và những năm tiếp theo.

Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng các tỉnh,thành phố; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm giai đoạn 2021 – 2030 và Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đến năm 2030; thực hiện mục tiêu thúc đẩy, ứng dụng mạnh mẽ KH,CN&ĐMST, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư để phục hồi kinh tế, tạo động lực mới cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong năm 2023, Bộ KH&CN khuyến nghị một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như sau:

1- Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH,CN&ĐMST để phù hợp với những yêu cầu mới đặt ra trong phát triển bền vững đất nước. Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, huy động mọi nguồn lực, giải pháp để triển khai thực hiện chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST phục vụ thiết thực, hiệu quả nhất các mục tiêu phát triển của từng địa phương và cả vùng.

2- Chủ động tham mưu cho UBND các tỉnh/thành phố bố trí nguồn ngân sách chi cho KH&CN trong kế hoạch phát triển KH&CN hàng năm đạt 2% tổng chi ngân sách ở địa phương theo quy định của Luật KH&CN.

3- Tăng cường hợp tác với các Đại học, Trường Đại học, các Viện nghiên cứu để đẩy mạnh hợp tác chuyển giao ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm chủ lực. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ môi trường để phát triển các sản phẩm quốc gia, các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển.

4- Triển khai, thực hiện Chương trình KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai để phát triển bền vững. Đẩy mạnh Chương trình chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch và bảo vệ môi trường.

5- Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực KH&CN như: hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ; phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; đánh giá, thẩm 27 định và giám định công nghệ; an toàn bức xạ và hạt nhân; thông tin, thống kê cơ sở dữ liệu KH&CN; thanh tra và tăng cường hoạt động KH&CN cấp huyện.

6- Tập trung nguồn lực đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn trực tiếp với các nội dung phục vụ định hướng phát triển bền vững kinh tế – xã hội. Tăng cường đầu tư tiềm lực cơ sở vật chất, hạ tầng cho các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN.

7- Tập trung đào tạo nguồn nhân lực KH,CN&ĐMST có trình độ và năng lực sáng tạo cao, chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực KH,CN&ĐMST trong tương lai. Nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù thu hút, đào tạo, đãi ngộ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các chuyên gia, cán bộ giỏi, có khả năng nghiên cứu, sáng tạo, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm tạo sự phát triển đột phá cho các ngành, lĩnh vực mà địa phương có nhu cầu.

8- Đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về KH,CN&ĐMST. Mở rộng hội nhập quốc tế, hợp tác song phương, đa phương, tích cực trao đổi thông tin, kinh nghệm và thu hút nguồn lực quốc tế.

Văn Kiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây