Đà Nẵng đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc trưng

Hiện nay, toàn thành phố Đà Nẵng đang có ba chương trình liên quan nông sản: Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); sản phẩm thương mại đặc trưng; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Tổng cộng có 90 dòng sản phẩm được chứng nhận của 59 đơn vị, doanh nghiệp, 27 hộ kinh doanh, 6 hợp tác xã và làng nghề.

Những chương trình kích cầu của thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện cho các đơn vị hợp tác tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.

Với mong muốn đưa nguồn nguyên liệu Quế Trà My (Quảng Nam) tạo thành những sản phẩm thông dụng, anh Nguyễn Xuân Sơn quyết định mở cơ sở sản xuất. Năm 2004, Công ty TNHH Sản xuất Chế biến Kinh doanh Xuất nhập khẩu Hương Quế (gọi tắt là Công ty Hương Quế), quận Liên Chiểu được thành lập. Nhờ chủ động về nguyên liệu, Công ty Hương Quế tập trung đầu tư thiết bị máy móc, đào tạo công nhân có trình độ tay nghề cao, tạo ra nhiều sản phẩm mới, phù hợp văn hóa, thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Với các dòng sản phẩm từ quế như lót giày, dép quế, đệm…, Hương Quế là một trong những đơn vị đầu tiên được chứng nhận cả ba chương trình nêu trên với tám sản phẩm. Nhờ những chương trình đó, Hương Quế nhận được nhiều hỗ trợ về máy móc thiết bị; hoạt động quảng bá, kích cầu. Từ năng lực sản xuất ban đầu năm 2005 đạt 25 nghìn sản phẩm/năm, đến nay công ty đã đạt một triệu sản phẩm/năm, mở rộng xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.

Giám đốc Công ty Hương Quế chia sẻ: “Nhiều máy móc thiết bị được hỗ trợ từ các chương trình giúp công ty giảm nhân công, nâng cao chất lượng sản phẩm. Những chứng nhận đạt được góp phần khẳng định giá trị giúp sản phẩm Hương Quế đến được với nhiều người tiêu dùng hơn”.

Thời gian qua, Sở Công thương thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ; hỗ trợ chứng nhận ISO, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ bao bì nhãn hiệu sản phẩm… Thông qua đó, nhiều doanh nghiệp, đơn vị tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng được thương hiệu và đưa sản phẩm ra thị trường. Một số sản phẩm đã xuất khẩu sang nước ngoài như: Sản phẩm của Hợp tác xã Mây tre An Khê, sản phẩm bánh dừa nướng của Mỹ Phương Food, dòng thớt kính salalux, bánh tráng Đại Cường…

Công ty TNHH Mỹ Phương Food (huyện Hòa Vang) đã được trao chứng nhận OCOP bốn sao với sản phẩm bánh dừa nướng ngay khi vừa ra mắt. Với mong muốn sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của người nông dân miền trung là dừa, đậu phộng, đậu xanh, nếp… công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, cho ra mắt nhiều sản phẩm chất lượng. Hiện trung bình mỗi tháng Mỹ Phương Food xuất ra thị trường khoảng 80 nghìn gói bánh dừa nướng.

Nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp thương mại điện tử, đẩy mạnh bán hàng, tháo gỡ khó khăn, thời gian qua, Sở Công thương đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản cho nông dân như các hội nghị kết nối hàng Việt, OCOP; tuần lễ kích cầu mua sắm; phối hợp các ngành liên quan đưa vào hoạt động bốn điểm trưng bày, bán hàng, đang hoàn thiện và đưa vào hoạt động thêm ba điểm, rải đều tại các quận, huyện…

Năm 2022, chương trình quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của thành phố gắn liền với hoạt động kích cầu du lịch như: Chương trình quảng bá sản phẩm gắn với kỳ nghỉ lễ từ ngày 29/4 đến 2/5 vừa qua, đã thu hút gần 1.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm, doanh số bán hàng trực tiếp đạt hơn 140 triệu đồng và đã có hiệu ứng lan tỏa.

Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Phương Food Mai Thị Ý Nhi chia sẻ: “Sản phẩm của chúng tôi phù hợp với dòng thực phẩm cũng như du lịch, vì vậy, chúng tôi tự tin thu hút được người dân cũng như du khách chọn mua khi ghé đến Đà Nẵng. Đơn hàng, đối tác tiêu thụ tăng lên cũng nhờ những chương trình kích cầu của thành phố. Công ty còn xuất được thêm đơn hàng ra nước ngoài”.

Hợp tác xã Nấm Nhơn Phước đang chuẩn bị để nâng cấp thêm sao OCOP vào sản phẩm của mình. Hiện Hợp tác xã cung cấp nấm bào ngư tươi, nấm chế biến và cao nấm ra thị trường. Nhận thấy việc cần thiết phải chủ động mở rộng tiêu thụ, Hợp tác xã đang chuẩn hóa sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ, sẵn sàng đưa sản phẩm vào các chuỗi cửa hàng, siêu thị.

Với những hoạt động liên kết, hỗ trợ phù hợp với từng doanh nghiệp, đơn vị, thành phố Đà Nẵng mong rằng có thể tạo động lực mạnh mẽ cho các cơ sở đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã… đã chủ động hơn trong việc kết nối các đơn vị tiêu thụ để mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn trong giải quyết đầu ra; chưa đưa được hàng vào siêu thị do chưa đáp ứng được yêu cầu; việc sản xuất chủ yếu dựa vào đơn đặt hàng, không thường xuyên… Trong khi, các siêu thị lớn không chỉ yêu cầu các tiêu chí cơ bản như an toàn thực phẩm, chỉ số ISO, nguồn cung đều và đủ thì những “thủ tục” đơn giản như mã vạch, thông tin sản phẩm để truy xuất nguồn gốc cũng là điều cần thiết nông sản có thể lên kệ. Để giúp sản phẩm đặc trưng của thành phố đứng vững hơn ở thị trường “sân nhà”, Sở Công thương thành phố Đà Nẵng đã xúc tiến, kết nối các chuỗi siêu thị lớn, trung tâm thương mại trên địa bàn.

Công ty Hương Quế tăng năng lực sản xuất nhờ chứng nhận của ba chương trình.

“Trong thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục thực hiện 2-4 chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm của Đà Nẵng kết hợp các sự kiện du lịch trong năm 2022; hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục còn thiếu hoặc chưa đạt tiêu chí. Năm nay, thành phố tập trung mở rộng các quầy hàng sản phẩm đặc trưng vào các chợ hạng 1, hạng 2, các cửa hàng, tiếp tục phối hợp liên ngành duy trì các điểm bán sản phẩm OCOP” – Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hữu Hạnh cho biết.

Theo Nhân dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây