Đồng bằng sông Cửu Long: Quy trình kỹ thuật rải vụ giúp tăng hiệu quả kinh tế lên 1,5 đến 2 lần

STNN – Trong 9 tháng đầu năm, toàn ngành nông nghiệp khẩn trương triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành, Kế hoạch cơ cấu lại ngành, Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Toàn ngành đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Hình minh họa – Nguồn: Internet

Nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được người dân và địa phương chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn; Bộ NN&PTNT hướng dẫn người dân, địa phương khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên thiên nhiên và vật tư đầu vào. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã quan tâm chỉ đạo, nông dân có nhiều kinh nghiệm và áp dụng thành công quy trình kỹ thuật rải vụ, nhờ vậy hiệu quả kinh tế của rải vụ 5 loại cây ăn quả (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn) tăng 1,5 lần đến 2 lần so sản xuất chính vụ.

Công tác quản lý chất lượng giống được nhiều địa phương quan tâm thực hiện, tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống đạt 85%. Nhiều địa phương và chủ rừng đã quan tâm xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng; đến nay, đã có 340.350 ha được cấp chứng chỉ rừng tại 31 địa phương. Tiền thu dịch vụ môi trường rừng nhanh, đạt 80,2% kế hoạch năm.

Đã xây dựng 1.669 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản (NLTS) an toàn, duy trì kiểm tra mẫu NLTS sau thu hoạch, tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) thấp, từ 1,6 – 2,5% với 99,6% cơ sở đáp ứng quy định ATTP; kiểm soát sản phẩm nhập khẩu… góp phần đảm bảo ATTP trong nước và xuất khẩu; củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong nước.
Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang có chuyển biến tích cực: tăng quy mô thành viên qua xu thế liên kết, sáp nhập các HTX; ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

Số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao, huyện đạt chuẩn tăng đều theo các tháng. Số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao đạt 8.340 sản phẩm tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, người tiêu dùng trong nước dễ dàng tiếp cận thông tin và tiêu dùng những sản phẩm nội địa chất lượng cao. Phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đa giá trị (như mô hình du lịch Homestay ở Mù Cang Chải, Yên Bái; du lịch trải nghiệm vườn rau thủy canh, đồi chè, hoa công nghệ cao ở Đà Lạt, Lâm Đồng; du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn; trải nghiệm vườn điều ở Bình Phước, Đồng Nai; trái cây nhà vườn tại Bình Dương, du lịch làng nghề ở An Giang;…).

Minh Anh

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây