Gánh hàng rong và tiếng rao của bố

STNN – Người bán bánh khúc nóng từ khu Mai Động nay đến bán ở khu phố cũ của tôi bảo rằng, con cái của ông cụ bán bánh khúc già không cho ông đi bán nữa. Ba đứa con của ông đã tốt nghiệp đại học, chững chạc vào đời từ gánh hàng rong và tiếng rao của bố.

Ảnh minh họa

1. “Kem đây, kem cây đây, kem mút đây…!” – tuổi thơ tôi gắn với những lời rao như thế. Những trưa chập chờn trên võng bất chợt vùng dậy đòi quà bởi tiếng rao của anh bán kem nơi đầu ngõ. Rồi tiu nghỉu khi không có tiền mua kem, còn tinh nghịch ném với theo anh bán kem một câu mà đứa trẻ con nào cũng thuộc: “Kem mút kem mút, kem có c… ruồi, ăn vào đau bụng… vào mua” rồi chạy thục mạng.

Lớn lên, vào đời, sau bao nhiêu năm bôn ba, bây giờ trở lại chốn cũ, cô hàng xóm lấy chồng sớm, chẳng biết ru con, phải mượn câu hát từ đĩa CD ghi tiếng hát của bé Xuân Mai hoặc những đoạn nhạc quảng cáo trên truyền hình để dỗ con. Thằng bé con khóc mãi, nhất quyết chờ nghe tiếng nhạc của quảng cáo Vinamilk, đòi ăn xong mới chịu ngủ. Người mẹ trẻ có nhớ chăng những câu hát đồng dao, hay những câu hò vè thân thương mà tinh nghịch thuở ấu thơ?

2. “Phơ… ớ…! Tào phớ… ai phớ đê!” tiếng rao quen thuộc bên mỗi góc phố vỉa hè Hà Nội làm tôi nhớ lại tuổi thơ tôi chưa xa. Cái thời mới về Hà Nội học phổ thông, khi ra phố cái gì cũng lạ, lạ từ cái xe đạp, xe máy, ôtô và nhiều thứ khác nữa. Lúc ấy, mỗi khi tan học, từ trường về nhà chẳng bao xa, đi nhanh thì chỉ mất 20 phút là đến nhà, nhưng bao giờ tôi cũng mất chừng hơn 1 tiếng đồng hồ mới về tới, và việc này diễn ra hàng ngày nên không ai thắc mắc gì cả.

Sau này, khi biết đi xe đạp đi học cũng vậy, trường xa hơn, sau buổi học tôi và đứa bạn gần nhà phải làm một vòng lên Bờ Hồ rồi quay về mới thỏa. Lúc đó, nghe những người đàn ông gánh 2 cái nồi đi dọc phố rao hàng mà hai đứa không tài nào đoán ra họ đang rao bán cái gì. Ngặt một nỗi, cả hai đứa không có đồng lẻ nào trong túi để thử gọi người đang gánh gánh hàng kia lại mà mua thử, mà thưởng thức món quà cho thỏa nỗi tò mò. Mãi sau này tôi mới biết đó là Tào Phớ!

3. Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Ngãi… đang giàu lên mỗi ngày. Đổi lại, những điều giản dị nhất của cuộc sống đời thường – tiếng rao – lại đang “nghèo” đi. Ra Huế, rong ruổi khắp các nẻo đường cố đô, hiếm lắm mới nghe được tiếng rao “Cơm hến” của các o, các chị bởi sự lấn át của tiếng nhạc cân điện tử với lời gọi mời lịch sự nhưng nhạt nhẽo vô cùng: “Xin kính chào quý khách, xin kính chào quý khách!”. Ghé Hội An, tiếng rao bán chè của “ông lão xí mà” đã vắng mấy năm nay rồi, chỉ còn nghe “keo dính chuột” của một “trung tâm công nghệ hóa màu” xa lắc xa lơ nào đó.

Vào Quảng Ngãi, còn đâu tiếng rao “Muối đây!” của những diêm dân Sa Huỳnh vì những vụ mùa thất bát liên miên. Thật khó tin khi chứng kiến sự “du nhập” ồ ạt của “bánh mì Sài Gòn, một ngàn một ổ” vẫn còn khá đắt so với vùng đất nghèo khó này, thế nên dân địa phương mới tự an ủi mình: “Bánh mì Sài Gòn một ngàn một ổ. Bánh mì Đức Phổ mười ổ một ngàn”. Nghe hóm hỉnh mà xen lẫn chút xót xa!

Còn ở Đà Nẵng – thành phố sôi động nhất miền Trung – có “thèm” tiếng xập xoẻng của anh chàng tẩm quất dạo đến mấy cũng đành chịu, bởi chỉ cần bước chân ra phố là những tấm biển “xông hơi, xoa bóp” đã đập vào mắt. Bây giờ, có mấy ai cần nữa những anh chàng tẩm quất cũ kỹ nữa đâu.

4. Gần 40 năm sống ở Hà Nội, tôi không thể nào quên được tiếng rao đêm: “Khúc đê, khúc nóng đê!” của một người đàn ông lớn tuổi tại một khu phố vắng gần ngã tư Vọng – nơi tôi ở trước kia. Tiếng rao của ông ta đã đồng hành cùng giấc ngủ mỗi đêm của tôi, quen thuộc đến nỗi chỉ cần nghe giọng là tôi biết hôm ấy ông ốm hay khỏe, hay chỉ cần nghe tiếng bước chân là biết đôi dép quai hậu kiểu giải phóng quân của ông đã mòn tới cỡ nào.

Bẵng đi một thời gian, không còn nghe tiếng rao của ông, tôi cưỡi xe đi tìm. Qua tất cả những khu phố quen thuộc trên đường Nguyễn An Ninh, Phố Vọng, Đại La, Trương Định vẫn không gặp. Một người bán bánh khúc nóng từ khu Mai Động nay đến bán ở khu phố cũ của tôi bảo rằng con cái ông ấy không cho ông đi bán bánh khúc nữa, để chúng nuôi bố. Tôi chợt thẫn thờ, buồn vui xen lẫn. Ba đứa con của ông đã tốt nghiệp đại học, chững chạc vào đời từ gánh hàng rong và tiếng rao của bố.

Bing Uncle

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây