Huế xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện với du khách

STNN – Mới đây, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ trì buổi họp nghe báo cáo về thực trạng, giải pháp chấn chỉnh, lập lại trật tự đô thị, đảm bảo an toàn cho du khách, môi trường du lịch tại các điểm tham quan du lịch, di tích trên địa bàn TP. Huế.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch tỉnh trong thời gian tới.

Du lịch từ lâu được tỉnh Thừa Thiên Huế xác định là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn và thực tế đã có những đóng góp lớn cho nền kinh tế – xã hội thời gian qua. Thông tin tại buổi họp cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến Huế đạt 1.279.503 lượt, tăng 116,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ du lịch ước đạt 2.942,434 tỷ đồng, tăng hơn 163% so với cùng kỳ năm trước. Dự ước 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến Huế ước đạt 1,6 triệu lượt, tăng 129,3% so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 3.500 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh có 83 đơn vị lữ hành và văn phòng, đại lý du lịch. Hiện nay, tổng số thẻ hướng dẫn viên trên địa bàn là 3.225 thẻ; có 883 cơ sở lưu trú với 13.850 phòng và 22.293 giường…

Những năm qua, TP. Huế đã triển khai nhiều đề án, kế hoạch nhằm phát triển các mô hình du lịch trên địa bàn, ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch, đặc biệt là các tuyến đường giao thông dẫn đến các địa điểm tham quan du lịch; chỉnh trang các công viên, điểm xanh; hoàn thiện hạ tầng không gian hai bờ sông Hương; xây dựng nhà vệ sinh công cộng; nhiều sản phẩm du lịch mới ra đời đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách, như: Phố đi bộ Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An – Võ Thị Sáu, Phố đêm Hoàng thành Huế, Phố đi bộ Hai Bà Trưng… Thành phố Huế cũng tổ chức thành công Festival nghề truyền thống Huế 2023 với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, vui chơi giải trí hấp dẫn thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước.

Mặc dù đạt được  kết quả khả quan nhưng ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, do phần lớn các doanh nghiệp du lịch vừa hoạt động lại sau một thời gian dài ngưng hoạt động kinh doanh vì đại dịch Covid-19, nên một số đơn vị đang còn thiếu nhân lực nghiêm trọng và một số hoạt động của các đơn vị chưa đi vào nề nếp, quy củ như trước dịch; một số đơn vị vẫn còn thiếu các tiêu chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó, thực trạng cơ sở lưu trú hiện còn mỏng, nên tình trạng quá tải mỗi khi vào mùa cao điểm của du lịch diễn ra phổ biến. Ngoài ra, trình độ, khả năng am hiểu lịch sử của một số hướng dẫn viên du lịch cũng đang là trở ngại lớn.

Toàn cảnh buổi họp.

Tại buổi họp, lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương kiến nghị, nêu giải pháp nhiều nhóm vấn đề, trong đó: Tập trung vào việc sớm đầu tư và mở rộng điểm đỗ xe du lịch Nguyễn Hoàng; quan tâm đầu tư tăng cường cơ sở hạ tầng, điện chiếu sáng phục vụ hoạt động thuyền du lịch tham quan; thiết lập đường dây nóng có tính kết nối với các sở, ban ngành; công khai đường dây nóng ở các điểm du lịch để người dân phản ánh; thành lập các Tổ tự quản, bắt buộc tài xế mặc đồng phục và đeo thẻ; niêm yết giá dịch vụ xích lô trên các trục đường…

Đối với việc hạn chế tình trạng người ăn xin, lang thang cơ nhỡ, lãnh đạo các địa phương kiến nghị, cần xây dựng đầu mối và đường dây nóng để thực hiện việc tiếp nhận; tăng cường công tác quản lý đối với những đối tượng đã bàn giao về địa phương, hạn chế các đối tượng lợi dụng các dịp lễ hội để ăn xin, chèo kéo khách; kịp thời hỗ trợ chính sách trợ giúp xã hội phù hợp đối với đối tượng thuộc nhóm người khuyết tật, trẻ em, người nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn…

Tại buổi họp, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị liên quan trong việc cải thiện môi trường du lịch thời gian qua. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đặt ra nhiều vấn đề trọng tâm thời gian tới, trong đó yêu cầu các đơn vị, lực lượng chức năng cần nghiên cứu, kiến tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn cho du khách. Xử lý mạnh tay, giải quyết tận gốc các vấn đề còn tồn tại để tạo ra môi trường bền vững, tốt hơn nữa.

Đối với gánh hàng rong của người dân, ông Nguyễn Văn Phương nhận định, gánh hàng rong là chiều sâu văn hóa của một đô thị, đằng sau là một gia đình, kế sinh nhai. Bên cạnh đó, người dân có quyền hưởng lợi trong việc mưu sinh từ du lịch, từ những thiết chế do tỉnh tạo ra. Song, người dân buôn bán cũng phải cần giữ gìn vệ sinh môi trường, thể hiện được nét đẹp con người xứ Huế, thân thiện và mến khách. Vấn đề cần phải giải quyết là bài toán hài hòa giữa người dân với môi trường du lịch. Đó cũng chính là bài toán khó mà các đơn vị chức năng cần tập trung tìm lời giải. Từ đó căn nguyên của các vấn đề mới được giải quyết một cách căn cơ, nhân văn.

Liên quan đến vấn đề thâm nhập, can thiệp của đối tượng cò mồi vào chuỗi du lịch, dịch vụ. Để tránh lũng đoạn, ảnh hưởng đến môi trường du lich của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các đơn vị cần tập trung xử lý cương quyết các vấn đề liên quan đến chuyện chèo kéo, cò mồi… Tuyệt đối không để biến tướng làm ảnh hưởng đến ngành du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp nhu cầu và biến động của thị trường du lịch.

Hoàng Nghĩa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây