Kỹ thuật sản xuất và thương mại nông sản không gây mất rừng

STNN – Nếu quy định về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng được thực thi sẽ tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp và các quốc gia xuất khẩu nông sản vào thị trường EU.

Hội thảo kỹ thuật sản xuất và thương mại nông sản không gây mất rừng tại Hà Nội
Hội thảo kỹ thuật sản xuất và thương mại nông sản không gây mất rừng tại Hà Nội – Nguồn: vnforest

Tháng 11/2022, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất xây dựng Quy định về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng. Đề xuất này nhằm giảm thiểu rủi ro các sản phẩm trong chuỗi cung ứng liên quan đến phá/suy thoái rừng được nhập khẩu vào, hoặc xuất khẩu từ EU. Đồng thời, giảm thiểu rủi ro các sản phẩm trong chuỗi cung ứng liên quan đến phá/suy thoái rừng được nhập khẩu vào, hoặc xuất khẩu từ EU. Đến tháng 12/2022, thỏa thuận chính trị sơ bộ giữa Nghị viện và Hội đồng châu Âu đã được thông qua.

Nếu quy định này được thực thi sẽ tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp và các quốc gia xuất khẩu nông sản vào thị trường EU.

Tại Hội thảo Kỹ thuật sản xuất và thương mại nông sản không gây mất rừng được tổ chức vào cuối tháng 02/2023, ông Patrick Haverman – Phó Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh, việc phá rừng và suy thoái rừng đang là những nguyên nhân quan trọng gây ra biến đổi khí hậu và mất mát đa dạng sinh học trên toàn cầu. “Với các quy định và bối cảnh quốc tế gần đây về sản xuất và thương mại bền vững, và chuỗi cung ứng không gây mất rừng, UNDP sẵn sàng làm việc với các đối tác chính phủ và khối tư nhân để tạo một môi trường thuận lợi cho chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp không gây mất rừng và hỗ trợ các mô hình thương mại và sản xuất không gây mất rừng”.

Ông Jesus Lavina – Phó Ban Hợp tác Phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam – chia sẻ, Quy định về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng dự kiến tháng 6 này sẽ có hiệu lực và dự kiến tháng 12/2024 bắt đầu áp dụng các nghĩa vụ đối với nhà vận hành (từ tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ). “Không có bất cứ hàng hóa và sản phẩm nào trong phạm vi của Quy định được phép đưa vào thị trường châu Âu nếu chúng được sản xuất trên đất bị chặt phá rừng hay suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020”.

Các hàng hóa dự kiến sẽ chịu tác động bởi Quy định này gồm: Dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cà phê, cao su và một số sản phẩm có nguồn gốc từ đó (ví dụ: sôcôla, đồ nội thất, lốp xe, sản phẩm in). Quy định áp dụng cho cả hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu và các sản phẩm có nguồn gốc từ đó. Danh sách này sẽ tiếp tục được rà soát, cập nhật để chính thức ban hành.

Khi Quy định này đi vào thực thi, chỉ những sản phẩm không gây phá rừng và hợp pháp mới được phép nhập khẩu vào hoặc xuất khẩu từ EU. Các nghĩa vụ chính được áp dụng cho các nhà vận hành và thương nhân không phải là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Truy xuất nguồn gốc cũng sẽ được thực hiện nghiêm ngặt giữa hàng hóa với lô đất nơi sản xuất. Các sản phẩm sẽ cần phải hợp pháp theo luật của quốc gia sản xuất, bao gồm quyền con người, quyền lao động hiện hành và sự đồng thuận thỏa đáng, tự nguyện và được thông báo trước.

Cũng theo ông Jesus Lavina, quy định sẽ có tác động đến các nhà cung cấp cả trong và ngoài EU. Do đó, tất cả các chủ thể liên quan cần sẵn sàng cho việc áp dụng từ cuối năm 2024 – người thích ứng nhanh nhất sẽ có lợi thế cạnh tranh. EU sẵn sàng hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ nỗ lực của các nước đối tác nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp, quản lý rừng bền vững và phát triển chuỗi cung ứng minh bạch và bền vững.

Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định, xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian tới sẽ chịu không ít tác động bởi quy định này, trong đó cà phê là mặt hàng chiếm tỉ trọng xuất khẩu lớn nhất của ngành nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU.

Theo ông Trần Quang Bảo: “Tây Nguyên, là khu vực sản xuất nông nghiệp có tầm quan trọng trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp của Việt Nam không chỉ được biết đến là thủ phủ của cà phê, Tây Nguyên còn phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp khác như cao su, hồ tiêu, cây ăn trái trong nhiều năm trở lại đây.

Thông qua việc chia sẻ các quy định của EU cũng như kinh nghiệm của các doanh nghiệp, bạn bè quốc tế về phát triển các ngành hàng không gây mất rừng, từ đó chúng ta xây dựng lộ trình phát triển các ngành hàng nông sản của Việt Nam đáp ứng các quy định của EU trong thời gian tới”.

Hội thảo còn nhận được những ý kiến đóng góp của các diễn giả là đại diện của nhiều tổ chức và công ty khác nhau, như: Lavazza, công ty cà phê hàng đầu của Ý và Silva Cacao, công ty nhập khẩu ca cao của Bỉ. Hội thảo cũng mang tới những kinh nghiệm của Ecuador, quốc gia tiên phong đang nỗ lực hướng tới nền kinh tế bền vững hơn.

Công Việt

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây