Nghệ An: Mất trắng hàng chục tấn thủy hải sản sau lũ

STNN – Chỉ trong 2 ngày 28 và 29/9/2022, do ảnh hưởng của bão số 4 kết hợp hồ thủy lợi Vực Mấu xả lũ, nhiều xã, phường thuộc thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) bị ngập sâu trong biển nước, khiến hàng trăm hộ dân nuôi trồng thủy hải sản bỗng chốc trắng tay.

1.Ông Trường thẫn thờ bên hồ nuôi cá chim biển bị thiệt hại của gia đình.
Ông Văn Đức Trường (khối Yên Phú, phường Mai Hùng) thẫn thờ bên hồ nuôi cá chim biển bị thiệt hại của gia đình.

Theo Báo cáo nhanh, tình hình thiệt hại do mưa lũ của UBND thị xã Hoàng Mai (Nghệ An): Có 9/10 xã, phường với hơn 2.700 hộ dân của thị xã Hoàng Mai bị ngập và chịu thiệt hại lớn. Diện tích các loại rau màu vụ Đông bị ngập úng và hư hỏng thiệt hại 419,5ha. Diện tích nuôi tôm mặn lợ bị ngập, mức thiệt hại 78,8ha tôm thâm canh; cụ thể: xã Quỳnh Liên 24,3ha, xã Quỳnh Xuân 17,5ha, phường Quỳnh Dị 30ha, xã Quỳnh Lộc 7ha; và 39,5ha nuôi tôm quảng canh, cụ thể phường Quỳnh Dị 20ha, xã Quỳnh Lộc 5ha, phường Quỳnh Phương 14,5ha. Diện tích nuôi ao hồ, cá lúa, mức thiệt hại ước tính 89,3ha, trong đó xã Quỳnh Trang 20ha, xã Quỳnh Xuân 28,5ha, xã Mai Hùng 40,8ha.

Số hộ dân bị nước vào nhà là 38 hộ, trong đó: phường Mai Hùng 30 nhà, phường Quỳnh Thiện 4 nhà, xã Quỳnh Trang 04 nhà. 2 phòng học tại trường Tiểu học Quỳnh Phương B bị tốc mái, 40m đê Tràn Trịch tại phường Mai Hùng bị sạt lở, 40m tường bao của nhà dân thuộc xóm 5, xã Quỳnh Vinh bị đổ; sạt lở 01 đoạn trên đường Quốc lộ 48D, xã Quỳnh Vinh, sập 01 cầu dân sinh tại xóm 5, xã Quỳnh Vinh và nhiều cây xanh bị bật gốc, đổ gãy.

2.Hàng chục tấn ốc hương biển của hộ gia đình ông Thảo bị sốc nước lũ chết.
Hàng chục tấn ốc hương biển của hộ gia đình ông Thảo bị sốc nước lũ và chết.

Trong số các xã, phường bị thiệt hại thì nặng nhất phải kể đến phường Mai Hùng. Phường Mai Hùng nằm ở vị trí giáp biển, dọc theo sông Hoàng Mai, có điều kiện thuận lợi trong nuôi trồng thủy sản nước biển, nước lợ, mang lại giá trị kinh tế cao nên hàng trăm hộ dân đã đầu tư nuôi trồng nhưng mất trắng hàng tỉ đồng chỉ trong một đêm.

Chiều ngày 03/10/2022, phóng viên có mặt tại khu vực nuôi trồng thuỷ sản của ông Văn Đức Trường (khối Yên Phú, phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An), ông Trường thẫn thờ cho biết: “Là bộ đội chuyển ngành về địa phương, năm 1995, để giúp gia đình thoát nghèo, tôi đã bỏ công khai hoang gần 3ha đất đầm lầy, đầu tư hàng tỷ đồng xây ao hồ gần cửa sông Mai Giang nuôi cá, nuôi tôm nhưng cũng không thuận lợi, năm được, năm mất, khiến cuộc sống rất khó khăn. Không chịu cảnh nghèo, tôi vào Đà Nẵng học cách nuôi thủy sản nước biển, qua kinh nghiệm nhiều năm, năm 2020 tôi quyết định chuyển đổi nuôi tôm sang nuôi cá chim biển, với vốn đầu tư ban đầu xây 5 ao nuôi trên 2,5 tỷ đồng. Đầu năm 2022 tôi đầu tư 150 triệu đồng, thả 10 ngàn con giống và đầu tư thức ăn, sinh phẩm, nhân công, máy tạo khí. Từ lúc thả giống cho đến nay đã 9 tháng là thời điểm thu hoạch, trọng lượng mỗi con đạt 0,6kg. Với 5 ao nuôi, gia đình tôi dự tính sẽ thu về 7 tấn cá chim biển; trước khi mưa lũ đã xuất bán 200kg, được 45 triệu đồng, còn lại là mất trắng, thiệt hại ước tính ít nhất cũng 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, gia đình tôi còn 2 ao tôm 4 tháng, đạt trọng lượng 100con/kg, với giá 100 ngàn đồng/kg giờ cũng mất trắng, thiệt hại 2 ao tôm ước tính trên 400 triệu đồng. Hiện tại, do cá và tôm chết hàng loạt nên toàn bộ ao đang bị ô nhiễm, gia đình phải thuê hàng chục lao động bơm nước ra khỏi ao, thu gom cá, tôm chết để tiêu hủy”.

4.Dọn dẹp ao hồ, thu gom cá, tôm, ốc bị chết đi tiêu hủy tránh ô nhiễm môi trường.
Dọn dẹp ao hồ, thu gom cá, tôm, ốc bị chết đi tiêu hủy tránh ô nhiễm môi trường.

Cùng cảnh ngộ với ông Trường, hộ gia đình ông Hà Văn Thảo (khối Kim Ngọc, phường Mai Hùng) cũng thiệt hại không kém, ông cho biết: “Năm 2020, gia đình thuê đất để đầu tư 4 ao nuôi tôm, diện tích 2ha với số vốn trên 2 tỷ đồng. Năm 2021, gia đình nuôi thả ốc hương biển nhưng bị thua lỗ nặng, đến năm 2022 tiếp tục cải tạo lại ao đầm, mua thêm các trang thiết bị, đầu tư công nghệ, thả ốc giống trên 350 triệu đồng, thời gian nuôi 6 tháng cho thu hoạch, chi phí nhân công, thức ăn hết 1,5 tỷ đồng cho 4 ao nuôi ốc hương; đến thời điểm thu hoạch trước lũ về đã xuất bán gần 300kg, với giá 250 ngàn/kg, 160 con/kg, dự kiến không bị thiệt hại thì gia đình thu về 20 tấn ốc thương phẩm khoảng 5 tỷ đồng, do lũ tràn, ốc sốc nước lũ bị chết, gia đình đang phải thuê nhân công bơm vệ sinh ao, thu gom ốc chết đổ đi, xử lý môi trường dự kiến hết gần 100 trăm triệu đồng”.

Thất thần bên đống ốc chết, bà Nguyễn Thị Hoa (vợ ông Thảo) nói trong nước mắt: “Mưa lũ nhanh quá, chỉ sau một đêm nước tràn mênh mông, dâng cao hơn 1m, cả gia đình giăng lưới chống chọi với mưa lũ nhưng đành bất lực để hàng chục tấn ốc trôi theo dòng nước, nợ nần chồng chất, không biết giờ phải lấy đâu ra để trả nợ ngân hàng, toàn bộ vốn liếng vay mượn đổ vào ao nuôi, giờ tay trắng”.

3.Bà Hoa đau đớn khi thành quả của mình bị nước lũ cuốn trôi.
Bà Hoa đau đớn khi thành quả của mình bị nước lũ cuốn trôi.

Ngoài hồ nuôi của gia đình ông Trường, ông Thảo, còn có hồ của ông Vũ xuân Toàn (khối Yên Phú, phường Mai Hùng) bị mất trắng 8 ao tôm diện tích 2,5ha, thiệt hại ước tính trên 500 triệu đồng. Hộ gia đình ông văn Đức Hồng (cùng khối) 3 ao cá rô phi đã đến kỳ thu hoạch bị nước cuốn trôi thiệt hại trên 100 triệu đồng.

Trao đổi với PV Tạp chí Sinh thái Nông nghiệp, ông Đinh Quốc Việt – Phó chủ tịch UBND phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai cho biết: “Mưa lũ đã làm cho nhiều diện tích ao nuôi thủy sản của nhân dân thiệt hại nặng, hiện chính quyền địa phương đang thống kê, hỗ trợ các đầm nuôi xử lý môi trường, khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão để sản xuất; hơn 80ha tôm, cá, ốc bị thiệt hại, đây là thiệt hại vô cùng lớn đối với người dân”.

Bài, ảnh: Kim Cương – Thanh Yên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây