Người dân miền núi Nghệ An đứng ngồi không yên khi thủy điện xả lũ

STNN – Tình trạng sạt lở do Nhà máy Thủy điện Châu Thắng (Quỳ Châu, Nghệ An) đã xảy ra nhiều năm nay nhưng chưa được khắc phục triệt để. Điều này có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tính mạng, làm thiệt hại về tài sản và xáo trộn đời sống của 22 hộ dân tại xóm Minh Tiến (xã Châu Tiến).

Vợ chồng ông Đặng Ngọc Phan sống trong thấp thỏm lo sợ nhà đổ khi nào không hay.

Nhà máy Thủy điện Châu Thắng được khởi công xây dựng vào tháng 2/2013 trên địa bàn của 2 huyện Quỳ Châu và Quế Phong của tỉnh Nghệ An với công suất 14 MW, tổng toàn bộ dung tích hồ chứa là 18,21 triệu m3. Hồ chứa thủy điện Châu Thắng tích nước từ tháng 12/2016 đến tháng 01/2017 và đến tháng 5 năm 2017 chính thức đi vào hoạt động.

Ông Đặng Ngọc Phan một hộ dân sống lâu năm ở bên bờ sông Hiếu chia sẻ: Trước đây, khi chưa có thủy điện, dòng chảy của sông Hiếu hiền hòa. Những năm có lũ lớn, nước lên gần nền nhà nhưng không bao giờ lở đất, nước lên nhưng chỉ là nước lặng hoặc chảy chậm. Tôi xây nhà ở đây từ năm 2003. Trước khi có thủy điện, mọi việc đều ổn, nhưng từ khi có thủy điện và họ tiến hành xả lũ thì nước kéo đất, kéo cây, nền nhà nứt hết, toàn bộ hệ thống tường nhà phía sau chỉ cần có lực tác động là sẽ đổ. Khi xây nhà dọc ven sông, các hộ dân ở đây trồng rất nhiều cây cối để chống sạt lở, nhưng mấy năm trở lại đây cây cối cũng không còn phát huy tác dụng nữa: những lũy tre, khóm mét bị nước cuốn trôi, chỉ còn một vài chỗ lác đác dăm ba cây nghiêng ngả trên bờ. Không chỉ riêng gia đình tôi mà 22 hộ dân của xóm Minh Tiến (xã Châu Tiến) chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc xả lũ của thủy điện Châu Thắng.

Nền nhà ông Đặng Ngọc Phan bị tách đôi do tình trạng sụt lún diễn ra nhiều năm nay.

Cùng giống với tình cảnh của ông Phan, gia đình ông Phan Huy Ngọc cũng điêu đứng với cảnh sạt lở, nơm nớp lo sợ cảnh nhà cửa bị cuốn đi lúc nào không hay. Trầm ngâm, ông nói: Gia đình tôi bây giờ ở cũng không được mà đi cũng không xong, móng và gạch nền nhà bây giờ nứt gần như chia đôi, một nửa chuẩn bị sập xuống. Nhà tôi lại là nhà gỗ, bây giờ nhà nghiêng đến đâu thì gắng khắc phục đến đấy. Về phần đất trồng cây chống sạt lở, đất thì sạt, cây thì bị nước cuốn trôi, chỉ còn mấy cây thì bị sệt xuống sát bờ sông.

Tôi ở mảnh đất này từ nhỏ, từ nhà tôi lên nhìn lên thủy điện chưa đến 1km. Có năm lụt lớn, nước vào nhà, ngập lên tận bàn nhưng đất đai vẫn nguyên, nước lên xong rồi xuống. Từ khi có nhà máy thủy điện, tới năm thứ 2 khi thủy điện đi vào hoạt động và xả lũ thì hiện tượng sạt lở xảy ra ở khắp nơi – ông Ngọc buồn rầu nói.

Được biết, ông Ngọc năm nay ngoài 60 tuổi, có một người con trai đã lập gia đình. Ông Ngọc cho con miếng đất bên cạnh để mở một quán ăn. Nhưng đầu năm nay, do thấy nhà đất sạt lở, sợ ở trong ngôi nhà gỗ sẽ sập lúc nào không hay, nguy hiểm đến tính mạng, nên anh đã đóng quán vào Nam làm ăn.

Nền nhà ông Phan Huy Ngọc bị nứt rộng tới 3cm.

Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tính mạng của người dân, năm 2019 phía Nhà máy Thủy điện Châu Thắng đã có những hỗ trợ ban đầu cho 03 hộ dân với tổng số tiền hơn 340 triệu đồng để người dân đổ đất kè đá nhưng chỉ được một thời gian ngắn nước lại cuốn trôi tất cả. Riêng gia đình ông Phan Huy Ngọc bị ảnh hưởng nặng nhất. Đợt 1 ông được phía nhà máy thủy điện hỗ trợ 100 triệu đồng đổ đất kè đá nhưng tình trạng sạt lở không giảm mà vẫn tiếp tục tái diễn.

Tình trạng sạt lở xảy ra ngày càng ở mức báo động. Năm 2022, UBND huyện Quỳ Châu cũng đã vận động Nhà máy Thủy điện hỗ trợ cho gia đình ông Ngọc với số tiền là 420 triệu đồng để di dời đến vùng an toàn, nhưng phía gia đình không nhận vì thấy chưa thỏa đáng bởi tình trạng sạt lở dẫn đến nứt nẻ, hư hỏng nhà cửa là do thủy điện xả lũ mà ra.

Thực trạng này diễn ra từ lâu, trước sự an nguy của người dân sinh sống ở vùng hạ lưu của thủy điện, UBND huyện Quỳ Châu cũng đã có nhiều kiến nghị lên tỉnh Nghệ An nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Phía huyện cũng mong muốn xây dựng bờ kè mềm ngăn sạt lở để cho người dân an tâm sinh sống khi mùa lũ về; hơn nữa, nếu để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tới cả tuyến quốc lộ 48 chứ không chỉ ảnh hưởng đến 22 hộ dân xã Châu Tiến.

“Mỗi khi nhà máy xả lũ, không kể ngày đêm, chính quyền phải lo lắng, túc trực giúp người dân chuyển đồ đạc, tài sản, di dời (thậm chí cưỡng ép) bà con ra khỏi vùng nguy hiểm. Mục tiêu của huyện là làm sao để người dân được yên ổn làm ăn, sinh sống; kỳ họp nào huyện cũng có kiến nghị, mong mỏi sớm có chỉ đạo để giải quyết tình trạng này, bởi có những việc nằm ngoài khả năng của huyện.” – Ông Lê Hải Lý, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Quỳ Châu cho biết.

Ngọc Linh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây