Nông dân Hà Nội phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi

Để nâng cao giá trị sản xuất, thích ứng điều kiện phát triển thị trường những năm qua, nông dân Hà Nội đã chủ động tiếp cận với khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi cho giá trị kinh tế cao.

Mô hình sản xuất chè sạch tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì).

Ông Ngô Trọng Hiển ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) là một trong những hội viên xuất sắc của Hà Nội về phát triển chăn nuôi theo chuỗi. Ông Ngô Trọng Hiển chia sẻ, khởi điểm từ mô hình nuôi gà đẻ lấy trứng, đến nay, ông đã phát triển thành mô hình chăn nuôi với quy mô sản xuất 2.000m2 chuồng, mỗi lứa nuôi từ 1 vạn gà đẻ, 7.000 gà thịt. Đặc biệt, trang trại của gia đình đã xây dựng quy mô hiện đại, khép kín, tự chế biến thức ăn chăn nuôi. Mô hình cho hiệu quả kinh tế hàng tỷ đồng/năm.

Không riêng gia đình ông Hiển, hiện nhiều hộ nông dân của Ba Vì đã chủ động tiếp cận khoa học, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển theo chuỗi khép kín. Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Chu Xuân Cừ cho hay, thời gian qua, cùng với phát triển các tổ hội, hợp tác xã, Hội Nông dân huyện phối hợp với ngành Nông nghiệp định hướng phát triển các mô hình theo chuỗi. Đến nay, Hội có hàng chục mô hình sản xuất theo chuỗi có giá trị kinh tế cao. Điển hình là mô hình sản xuất chè sạch tại xã Ba Trại gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Tương tự, thời gian qua, nông dân huyện Gia Lâm cũng chủ động phát triển, mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn cho hay, để giúp nông dân phát triển các mô hình theo chuỗi, từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức tọa đàm, tuyên truyền thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh cho 2.543 lượt hội viên; chuyển đổi 24,93ha lúa, màu kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, hình thành các vùng cây ăn quả tập trung, bảo đảm chất lượng. Nông dân chủ động duy trì 202 tổ nhóm sản xuất PGS với hơn 3.000 thành viên tham gia; duy trì 14 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp… Ngoài ra, Hội tổ chức hướng dẫn thành lập 10 tổ hợp tác và ký kết hợp đồng hợp tác với 75 hộ tham gia; thành lập 17 tổ nông dân nghề nghiệp; 1 chi hội nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ quả an toàn xã Đa Tốn. Các mô hình đã mang đến giá trị kinh tế cao cho hội viên, nông dân; sản phẩm của các tổ, hội, hợp tác xã được các doanh nghiệp, siêu thị bao tiêu…

Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Dương Thị Hằng cho biết, định hướng, hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình theo chuỗi là một trong những hoạt động chính mà Hội đề ra. Để phát triển các mô hình đó, Hội Nông dân thành phố đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện, thị xã xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, hướng dẫn thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác. Đến nay, Hội Nông dân các huyện, thị xã đã hướng dẫn thành lập mới được 10/18 hợp tác xã; các cơ sở Hội đã hướng dẫn thành lập được 189/406 tổ hợp tác.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội khẳng định, việc nông dân chủ động tiếp cận khoa học kỹ thuật và phát triển các mô hình theo chuỗi đã góp phần rất lớn trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cấp Hội Nông dân để nhân rộng mô hình theo chuỗi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn…

Theo Báo Hà Nội mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây