Nông dân Nga và nỗi lo… được mùa (kỳ II)

STNN – Khi châu Âu và Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, sản xuất lương thực bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau, thì nước Nga lại có một vụ mùa bội thu chưa từng có. Tuy nhiên, nước Nga lại phải đối mặt với nỗi lo xuất khẩu nông sản.

lúa mì nga
Hình minh họa – Nguồn: Internet

Nông dân không muốn giao dịch nông sản mà cất giữ ở trong kho, tại sao?

So với giá xuất khẩu của Hoa Kỳ, Pháp và các nơi khác, lúa mì Nga có sức cạnh tranh cao hơn, nhưng do xung đột giữa Nga – Ukraine leo thang nên ngày càng nhiều ngành vận tải biển và các ngành liên quan đến xuất khẩu tránh xa việc buôn bán ngũ cốc với Nga. Alyosha, một nhà kinh tế học người Nga sống tại Moscow, nói với giới báo chí rằng, các công ty vận tải biển không muốn chấp nhận rủi ro khi đưa tàu của họ vào khu vực xung đột, các ngân hàng miễn cưỡng phát hành thư tín dụng cho lúa mì có nguồn gốc từ Nga và các công ty bảo hiểm cũng miễn cưỡng chấp nhận.

Ngay cả nông dân Nga cũng không mấy mặn mà với xuất khẩu, vì đồng rúp mạnh và thuế xuất khẩu cao đã khiến việc xuất khẩu lúa mì trở nên kém hấp dẫn. Từ ngày 19/10, thuế xuất khẩu đối với lúa mì Nga tăng 52,3%, lên 2.934,3 rúp từ mức 1.926,8 rúp hiện tại. Arkady Zlochevsky, Chủ tịch Hiệp hội Ngũ cốc Nga cho biết, hiện nay giá giao dịch lúa mì và các loại ngũ cốc khác ở Nga đã giảm đáng kể, gần như bằng giá thành sản xuất – “nông dân không muốn giao dịch mà muốn cất giữ ở trong kho bởi họ mong đợi có được một mức giá tốt hơn”.

Theo dữ liệu theo dõi tuyến đường của Logistic OS, trong tháng 7 và tháng 8, lượng xuất lúa mì từ Nga so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm 22%. Hiệp hội Ngũ cốc Nga lấy quý III năm nay làm ví dụ: Nga xuất khẩu 10 loại cây trồng chính, so với 24 loại của cùng kỳ năm ngoái; hiện nay chỉ có 24 quốc gia mua lúa mì của Nga, trong khi cùng kỳ năm ngoái có 54 quốc gia; số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngũ cốc cũng giảm xuống còn 49 doanh nghiệp trong quý này, so với 88 doanh nghiệp cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Nga, niên vụ nông nghiệp 2021 – 2022 (01/07/2021 – 30/06/2022) Nga đã xuất khẩu 38,1 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có 30,7 triệu tấn lúa mì, giảm so với năm nông nghiệp trước. Dự báo của Bộ Nông nghiệp Nga cho thấy, trong năm nông nghiệp 2022 – 2023, xuất khẩu ngũ cốc theo kế hoạch của Nga dự kiến ​​sẽ tăng lên 50 triệu tấn, trong đó có 39,5 triệu tấn lúa mì.

Ukraine tìm cách gia hạn thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc

Nga và Ukraine đều là “vựa lúa của thế giới” và là hai nước không thể thiếu trong các phân khúc thị trường nông sản như hạt hướng dương, lúa mạch, lúa mì, ngô, hạt cải dầu, đậu nành. Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), Nga và Ukraine lần lượt là các nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất và lớn thứ năm thế giới; hai nước này chiếm lần lượt 19%, 14%, 4% nguồn cung lúa mạch, lúa mì, ngô toàn cầu và hơn 1/3 lượng ngũ cốc toàn cầu. Trên thị trường lúa mì, Eritrea, Armenia, Mông Cổ, Azerbaijan và những nước khác gần như phụ thuộc 100% vào lúa mì của Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, trên thị trường dầu hướng dương, Palau, Mayotte, Algeria, Belarus và Ai Cập cũng phụ thuộc 100% vào dầu hướng dương xuất khẩu từ Nga và Ukraine.

Do xung đột giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng đến xuất khẩu ngũ cốc của hai nước nên giá ngũ cốc quốc tế lần lượt tăng. Vào cuối tháng 7, dưới sự hòa giải của cộng đồng quốc tế, Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, khôi phục việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen. Điều đáng chú ý là đây là 2 thỏa thuận “song hành”. Một là thỏa thuận do Ukraine ký với Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đảm bảo tàu buôn qua lại an toàn tại ba cảng Biển Đen là Odessa, Chernomorsk và Yuzhny của Ukraine, thỏa thuận còn lại là thỏa thuận do Nga và Liên Hợp Quốc ký nhằm thúc đẩy thực phẩm và giao thông vận tải của Nga. Cả hai thỏa thuận có hiệu lực trong 120 ngày.

Dữ liệu từ Trung tâm Điều phối Xuất khẩu “Sáng kiến ​​Lương thực Biển Đen” của Liên Hợp Quốc tính đến ngày 19/10 cho thấy, kể từ khi con tàu ngũ cốc đầu tiên rời cảng Odessa của Ukraina vào ngày 01/8, 360 tàu đã khởi hành từ các cảng của Ukraina, mang theo 7,946 triệu tấn ngũ cốc và các loại thực phẩm khác.

Kỳ I: https://sinhthainongnghiep.net.vn/nong-dan-nga-duoc-mua-van-lo-ky-i/

Chử Cường (TH)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây