STNN - Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh giúp các doanh nghiệp nông nghiệp, các nông hộ làm nông nghiệp công nghệ cao chủ động trong sản xuất, khắc phục tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu và yêu cầu ngày càng cao của thị trường, là điều kiện không thể thiếu khi chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ việc chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Phát triển kinh tế nông nghiệp nhằm đẩy mạnh chuỗi giá trị nông nghiệp do đó giải pháp phát triển thương mại cho nông sản, xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững… không thể tách rời yêu cầu về nông nghiệp 4.0.
Giờ đây, nông nghiệp không thể phụ thuộc vào các điều kiện khách quan một cách thụ động, không còn chỉ “Trông trời, trông đất trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm” theo kinh nghiệm dân gian như xưa nữa. Ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững là điều kiện quan trọng, là xu hướng tất yếu nếu muốn phát triển kinh tế nông nghiệp.
Phải nói rằng công nghệ đang trở thành động lực phát triển, giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, tham gia sâu rộng vào hoạt động thương mại quốc tế. Tuy việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất tốn kém nhiều kinh phí, nhưng vấn đề này vẫn có thể được tháo gỡ nếu doanh nghiệp tận dụng tốt các nguồn lực, hình thành mối liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Giải pháp then chốt, trọng tâm để phát triển kinh tế nông nghiệp là đổi mới khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại sẽ giúp giải quyết các khó khăn, thách thức trong phát triển nông nghiệp bởi những ưu việt của nó.
Các công nghệ hỗ trợ cho ngành nông nghiệp phải kể đến: công nghệ vật liệu mới (ví dụ: vật liệu nano cải thiện năng suất và chất lượng cây trồng thông qua việc cung cấp các ứng dụng mới, các giải pháp mới trong các lĩnh vực dinh dưỡng, bảo vệ thực vật, xử lý môi trường trồng trọt); công nghệ sinh học với các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao; công nghệ cảm biến (cảm biến nhiệt độ, độ ẩm của không khí, của đất, cảm biến CO2… thường được sử dụng để thu thập dữ liệu về tất cả các khía cạnh của sự phát triển của cây trồng như vườn ươm, tăng trưởng và thu hoạch; cảm biến đo độ dẫn điện EC và pH của đất nông nghiệp được sử dụng để theo dõi nước và phân bón…); tự động hóa, cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến; công nghệ thông tin, Internet vạn vật, công nghệ quản lý… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái.
Phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Luật Công nghệ cao được ban hành ngày 13/11/2008 ; Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg ngày 19/4 /2018 quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Thông tư số 27/2013/TT-BKHCN ngày 17/12/2013 quy định các điều kiện đối với cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; hay gói 100.000 tỷ lãi suất thấp dành cho nông nghiệp sạch cũng là một trong các giải pháp được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 30/NQ-CP phiên họp thường kỳ tháng 02/2017 nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao… và những văn bản khác cho thấy, Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các đối tượng tham gia phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tại một số địa phương, để lập được các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, địa phương lập quy hoạch cụ thể, xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp để hình thành các vùng có quỹ đất tập trung có quy mô lớn cho từng lĩnh vực làm cơ sở cho việc thu hút, kêu gọi đầu tư.
Địa phương có chính sách hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực; đào tạo phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tăng cường sự hợp tác, tạo nên chuỗi liên kết hiệu quả giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm của khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường thu hút vốn đầu tư bằng nhiều kênh khác nhau. Tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung các chính sách đặc thù để thu hút các doanh nghiệp có điều kiện về vốn, công nghệ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, cản trở, khắc phục hạn chế về thị trường, về cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt, để phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, Nhà nước cần có cơ chế chính sách đặc thù, ưu đãi khuyến khích các nông hộ làm nông nghiệp công nghệ cao thay vì chỉ khuyến khích doanh nghiệp. Bởi lẽ, nguồn lực trong các nông hộ rất lớn, nếu khuyến khích các nông hộ sẵn sàng đầu tư làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nếu biết phát huy sức mạnh trong dân thì đây chính là một trong những hướng đi góp phần làm nên thành công của một nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại.
Hoàng Giáp