STNN - Từ 6h – 8h sáng hàng ngày, các tay buôn ớt trên khắp thế giới đều dán mắt theo dõi động tĩnh tại thôn Vu Gia, thành phố Giao Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Ớt là một trong những loại gia vị được mọi người trên khắp thế giới rất ưa chuộng. Tại Trung Quốc, ớt là thành phần gia vị không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Nam, Trùng Khánh, Quảng Tây…
Tại tỉnh Sơn Đông, tuy không phải là tỉnh có truyền thống tiêu thụ ớt lớn của Trung Quốc nhưng những năm gần đây, cùng với “hot trend” đồ ăn như lẩu Tứ Xuyên hay tôm càng thì ớt lại chiếm vị trí ngày càng lớn trong các bữa ăn ở tỉnh này. “Không ớt không khoái” đã thành trào lưu ẩm thực mà nhiều thanh niên đang theo. Thanh Đảo tuy không phải là nơi trồng ớt với diện tích lớn, nhưng lại có “quyền định giá” trong xuất khẩu ớt của Trung Quốc.
Giao Châu đã nắm quyền này như thế nào?
Từ 6h – 8h sáng hàng ngày, các tay buôn ớt trên khắp thế giới đều dán mắt theo dõi động tĩnh tại thôn Vu Gia, thành phố Giao Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Giá cả sau khi hai phía mua bán thảo luận xong, sẽ nhanh chóng được gửi đi khắp thế giới, “chỉ huy” các giao dịch về ớt ở các nơi khác nhau.
Giao Châu là nơi tập kết hàng ớt khô lớn nhất ở phía bắc Trung Quốc, trong đó thị trường giao dịch ớt khô hàng năm tại thôn Vu Gia lên tới 12 tỉ nhân dân tệ, chiếm 70% kim ngạch giao dịch toàn Trung Quốc, xuất khẩu hơn 80% sản phẩm ớt của nước này nên có câu “Ớt thế giới nhìn về Trung Quốc, ớt Trung Quốc lại phải xem Giao Châu”.
Nói về lịch sử thị trường ớt Giao Châu, ông Lý Chí Mẫn - Chủ tịch HĐQT công ty hữu hạn Trang thiết bị nông nghiệp Lộ Lộ Thanh Đảo nói: Mấy chục năm trước, Giao Châu cũng từng là nơi trồng ớt, cùng với sự tăng dần về sản lượng, dần dần tại xung quanh thôn Vu Gia đường Giao Thái của Giao Châu đã hình thành chợ giao dịch ớt tự phát, và sau đó phát triển mạnh. Sau năm 2000, do lượng mua bán ớt không ngừng tăng mạnh, sản lượng ớt của địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu, vì thế người Giao Châu bắt đầu mua từ các nơi khác về. Tại đây, sau khi gia công ớt sẽ lại được bán ra ngoài. Do vậy, dần hình thành ngành gia công, tiêu thụ cực kỳ lớn.
“Bước đầu, thị trường ớt của chúng tôi chỉ là chợ tự phát ven đường. Chúng tôi thấy được cơ hội buôn lớn của các chủ giàu có, liền thuận theo mà tiến hành mở rộng, đã tạo ra nơi giao dịch ớt chuyên nghiệp rộng hơn 160 mẫu đất (1 mẫu Trung Quốc bằng 666,67m2), đào tạo hơn 1.000 người thu mua ớt, lượng giao dịch hàng năm gần 600.000 tấn” - Lưu Hải Minh, Trưởng phòng Công nghiệp nông thôn của Cục Nông nghiệp nông thôn thành phố Giao Châu, giới thiệu.
Ngoài các điểm thu mua bên ngoài chợ giao dịch ra, các ban ngành liên quan của thành phố Giao Châu còn chỉ đạo Thương hội ớt Thanh Đảo xây dựng mạng lưới ớt toàn cầu, xây dựng sàn giao dịch song phương giữa các đầu mối. Bắt đầu từ 6h30 sáng hàng ngày, hơn trăm chủng loại ớt được giao dịch ở đây. Giá thỏa thuận xong, ớt nhanh chóng được gửi đi khắp thế giới, đã trở thành “phong vũ biểu” của giao thương ớt toàn cầu. Từ đó, Giao Châu từ một nơi sản xuất ớt biến thành nơi tập trung nguồn ớt quan trọng.
Giao Châu tập trung 365 công ty gia công ớt
Nếu chỉ là một thị trường giao dịch, Giao Châu sẽ không bao giờ có được tiếng nói quan trọng trong ngành ớt của Trung Quốc. Quá trình khởi nghiệp của Lý Chí Mẫn, Chủ tịch HĐQT Công ty hữu hạn Trang thiết bị máy nông nghiệp Lộ Lộ Thanh Đảo, được coi là đại diện tiêu biểu “từ nhỏ biến lớn” trong ngành ớt Giao Châu. Xuất thân là nông dân, ông cũng chỉ là một người buôn ớt nhỏ, trong quá trình kinh doanh Lý Chí Mẫn thấy nhu cầu kéo cắt ớt của khách hàng rất lớn, vốn từ nhỏ đã có đam mê máy móc, ông liền chuyên tâm nghiên cứu sản xuất kéo cắt ớt. Phát minh thành công, ông có được Bằng sáng chế Quốc gia. Năm 2013, Lý Chí Mẫn là đại diện “Nhà phát minh nông dân”.
Năm 2018, Tổ chức hợp tác Thượng Hải SCO họp thành công, kéo cắt ớt của Lý bắt đầu xuất khẩu đi Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ… Hiện nay, máy móc nông nghiệp của công ty Lộ Lộ đã có được thị phần lớn trong ngành ở Trung Quốc và thế giới, cũng dẫn đầu ngành gia công ớt Giao Châu.
Hiện nay, Giao Châu tập trung 365 doanh nghiệp gia công ớt, trong đó 72 doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu, 6 doanh nghiệp hàng đầu tỉnh, 25 doanh nghiệp có doanh thu hơn trăm triệu nhân dân tệ. Lượng ớt xuất khẩu tại Giao Châu chiếm 80% toàn Trung Quốc, tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ớt đã trở thành một “tấm danh thiếp” của Giao Châu. “Tôi đã chứng kiến sự khởi đầu và phát triển của ngành ớt Giao Châu, cũng được hưởng những lợi ích sau hội nghị thượng đỉnh SCO tại Thanh Đảo. Tôi rất tin tưởng về sự phát triển của ngành ớt Giao Châu” - Lý Chí Mẫn nói.
Chử Cường (TH)
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/giao-chau-mot-trong-nhung-noi-co-quyen-dinh-gia-ot-xuat-khau-cua-trung-quoc-a10204.html