Biến lõi ngô thành “vàng bạc”

STNN - Trong quá trình sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản, tỉ lệ phụ phẩm của lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản là rất lớn. Nguồn phụ phẩm này được xem là nguồn tài nguyên tái tạo góp phần kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Theo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng ngô của nước ta lên tới 603 nghìn ha. Với diện tích trồng ngô lớn như vậy, quá trình chế biến nông sản đã thải ra ngoài hàng triệu tấn lõi ngô.

Trước đây, nông dân hễ nhìn thấy lõi ngô lại đau đầu bởi vì họ không thấy nó có giá trị gì đáng kể, bởi vậy lõi ngô dường như chỉ là thứ bỏ đi. Nhưng với công nghệ cùng sự sáng tạo đáng kinh ngạc, hiện nay nhiều tác dụng của lõi ngô đã được “đánh thức”. Có nơi, người ta còn có thể kinh doanh lõi ngô và kiếm được tiền.

Lõi ngô không còn là thứ bỏ đi.

Trong tay người thường, lõi ngô chỉ là phụ phẩm/rác nông nghiệp thế nhưng với người hiểu nghề, tác dụng của nó rất nhiều. Lõi ngô có thể dùng để gia công thành hợp chất hữu cơ (dùng làm nguyên liệu nhựa), hoặc xylitol (chất tạo ngọt tự nhiên nhưng có lượng calo thấp), cũng có thể dùng để xử lý nước thải công nghiệp.

Hiện nay, lõi ngô được sơ chế, trộn cùng một vài thảo dược có vị ngọt như cỏ ngọt, cam thảo… trở thành món trà không những có mùi vị thơm ngon mà còn tốt cho sức khỏe. Năm 2021, dự án làm trà từ lõi ngô của nhóm học sinh tại TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk được trao giải Ba tại cuộc thi “Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2021” cấp quốc gia do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức.

Máy tách hạt ngô.

Lõi ngô sau khi được khử trùng xử lý nấm mốc, mầm sâu bệnh có thể dùng trồng nấm. Đã có những mô hình trồng nấm trên lõi ngô thành công như: mô hình trông nấm sò của bà con người Mông ở vùng cao núi đá Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang); của bà con bản Pặt Pháy, xã Dồm Cang (Sốp Cộp, Sơn La)…

Với những người yêu thích trồng hoa, dùng lõi ngô đặt dưới đáy chậu hoa giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho hoa phát triển tươi tốt. Lõi ngô còn giúp thoát nước tốt, cây hoa không bị thối rễ.

Lõi ngô nghiền được sử dụng làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; nhằm phân hủy phân, nước tiểu của vật nuôi, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm, góp phần thúc đẩy vật nuôi sinh trưởng tốt, chất lượng thành phẩm cao.

Một điều bất ngờ thú vị là chiết xuất từ lõi ngô còn được sử dụng khá nhiều trong ngành sản xuất sơn công nghiệp, dung môi cho thuốc nhuộm và nhiều công dụng khác nữa.

Lê Thúy

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/bien-loi-ngo-thanh-vang-bac-a10587.html