STNN - Nhiều người cho rằng phân bón hóa học là “hung thủ” gây ra ô nhiễm môi trường và khăng khăng cự tuyệt nó. Liệu có nên “yêu ma hóa” phân bón hóa học hay cần tìm cách sử dụng nó một cách khôn ngoan để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản?
Tội đâu đổ đầu phân hóa học
Chúng ta vẫn hay nghe phàn nàn: Hoa quả giờ không thơm, không ngọt; rau củ không tươi, dễ bị dập nát… Có người cho rằng: “Tất cả là do phân bón hóa học!” Có người lại cho rằng là do vấn đề thổ nhưỡng, do nguồn nước, không khí ô nhiễm khiến lúa, rau, trái cây bị nhiễm độc; tất cả đều do môi trường sinh thái biến đổi khốc liệt gây ra, không chỉ đơn thuần do phân bón hóa học gây ra mà đổ hết tội lên nó.
Sinh vật muốn tồn tại phải có môi trường sống và dinh dưỡng thích hợp. Thực vật cần 16 loại nguyên tố dinh dưỡng, động vật cần 26 loại. Nhưng chỉ dựa vào sự tuần hoàn vật chất trong nông nghiệp thì khó nâng cao sản lượng một cách kịp thời để đáp ứng được các nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp do sự gia tăng dân số.
Phân bón là “thức ăn” của thực vật. Tác dụng của phân bón hóa học là không thể phủ nhận, nó góp phần vào 1/2 sản lượng cây trồng. Nhiều người e sợ, cho rằng nó là “hung thủ” gây ra ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề, việc nên làm là sử dụng phân bón hóa học một cách hợp lý chứ không nên khăng khăng cự tuyệt nó. Nông nghiệp hiện đại nhưng giữ gìn một hệ sinh thái cân bằng là hai việc không nên tách rời. Thiết nghĩ, chúng ta nên có sự phối hợp hài hòa giữa phân bón hóa học, phân hữu cơ và phân vi sinh.
Tìm hiểu về các loại phân bón
Từ ngày có phân hóa học đến nay, an ninh lương thực của thế giới đã được bảo đảm. Học giả người Đức Liebig (1803-1873) với sự quan tâm chính là thúc đẩy nông nghiệp, chống lại nạn đói đã cho ra đời tác phẩm “Hóa hữu cơ trong ứng dụng của nó cho nông nghiệp và sinh lý học” trong đó ông đã giải thích tầm quan trọng của phân bón đối với chất lượng và năng suất cây trồng.
Từ khi nền nông nghiệp hiện đại sử dụng phân bón hóa học, trong thời gian 42 năm (1952-1994), tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng lúa gạo và lúa mì mỗi năm lần lượt là 2,1% và 3,7%. Bảy mươi năm trước, nhà khoa học Đức trả lời nhà khoa học Mỹ về nguyên nhân tăng trưởng của lương thực châu Âu rằng: Nếu ví sản lượng lương thực là con số 100%, thì sự cống hiến của phân bón hóa học chiếm 50%, giống chiếm 30%, phương thức quản lý chiếm 20%.
Trung Quốc trong hơn 2.000 năm từ Tần Hán tới Thanh triều, sản lượng mỗi mẫu lúa mì từ 50,3kg và lúa gạo 40kg tăng lên tới 97kg và 140kg. Trong hơn 70 năm từ khi Trung Quốc mới thành lập đến nay, bình quân sản lượng lúa mì tăng lên 350kg-400kg, nơi cao sản có thể lên tới 750kg. Trong đó, vai trò của phân bón hóa học là quan trọng. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón hóa học quá đà cũng gây ra nhiều hậu quả, như: Phốt pho trong đất dư thừa nghiêm trọng gây chua, mất cân bằng dinh dưỡng và làm cho đất khô cứng.
Rất nhiều người cho rằng, phân bón hữu cơ an toàn tuyệt đối. Một số quốc gia phát triển ở phương Tây, trong quá trình thực hiện nông nghiệp hữu cơ đã nâng cao vai trò phân bón hữu cơ mà cự tuyệt phân bón hóa học. Trong tiêu chuẩn phân bón thực phẩm xanh của Trung Quốc cũng quy định chỉ cho phép dùng phân hữu cơ và phân vi sinh.
Trên thực tế, việc bón phân hữu cơ không đúng cách và hay bón phân hữu cơ quá nhiều cũng gây ra những rủi ro cho hệ sinh thái, như: làm rửa trôi Nitrat và gây phát thải khí nhà kính. Những năm gần đây, ngành chăn nuôi quy mô lớn của Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Hàm lượng kim loại nặng, kháng sinh trong phân gia súc gia cầm tăng cao vì vậy phân hữu cơ cũng tiềm ẩn những nguy hiểm và cần cân nhắc về tính an toàn.
Phân bón sinh học là loại phân bón gián tiếp, không chứa các chất dinh dưỡng như NPK, được cấu tạo bởi một số vi sinh vật sống, chỉ có vai trò nhất định khi trong đất có các chất dinh dưỡng liên quan dưới dạng chất nền. Hơn nữa, phân vi sinh sau khi bón vào đất sẽ cạnh tranh gay gắt với số lượng lớn vi sinh vật bản địa trong đất làm hạn chế thời gian hoạt động và khả năng hoạt động. Do đó, lượng dinh dưỡng của đất được kích hoạt bởi phân bón sinh học cho cây trồng năng suất cao là vô cùng hạn chế.
Một số nhà sản xuất và phân phối phân bón sinh học phóng đại tác dụng của phân bón sinh học và cho rằng việc sử dụng phân bón sinh học thay thế hoàn toàn cho phân bón hóa học là phản khoa học.
Hướng phát triển của ngành phân bón
Tóm lại, phân bón hóa học, phân bón hữu cơ và phân bón sinh học nên được sử dụng đồng thời và bón một cách hợp lý, không nên cực đoan phản đối hoặc bỏ qua ba thứ này, nếu không sẽ phản tác dụng và không đạt được hiệu quả như mong muốn. Trong khi giảm lượng phân bón hóa học, chúng ta cần nâng cao tỷ lệ sử dụng, đồng thời cần tích cực nghiên cứu, phát triển và quảng bá các loại phân bón mới.
Các loại phân bón mới khác nhau này có một đặc điểm chung nâng cao chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm năng lượng, ít cacbon… đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp bền vững.
Việc nghiên cứu và phát triển các loại phân bón mới chủ yếu bao gồm các khía cạnh sau: phân bón có tác dụng kéo dài, giải phóng chậm và có kiểm soát; phân bón sinh học; phân bón hữu cơ sinh học; phân bón hữu cơ gốc cacbon; phân bón hợp chất vô cơ và hữu cơ sinh học; axit amin, phân bón axit humic, rong biển phân bón; phân bón nguyên tố trung lượng và vi lượng; phân bón nguyên tố có lợi; phân bón tan trong nước; chất điều hòa đất; phân bón BB; chất kích thích sinh trưởng cây trồng và các loại phân bón khác.
Chức năng chính của nó là: có thể cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng; điều chỉnh độ pH của đất; cải tạo và sửa chữa đất, cải thiện các đặc tính lý hóa và sinh học của đất; điều chỉnh hoặc cải thiện cơ chế sinh trưởng của cây trồng; nâng cao khả năng kháng bệnh của cây trồng; chống hạn hán và lũ lụt; chống lão hóa sớm và các ứng suất khác; cải thiện chất lượng và đặc tính của phân bón, nâng cao tỷ lệ sử dụng phân bón; cải thiện và tăng chất lượng và sản lượng sản phẩm; sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng về hữu cơ, sinh thái và nông nghiệp xanh.
Sự gia tăng và phát triển các loại phân bón mới có liên quan chặt chẽ đến xu hướng phát triển nông nghiệp sinh thái cacbon thấp, tăng trưởng xanh. Cải thiện việc sử dụng phân bón là một cách hiệu quả để tăng sản lượng và chất lượng nông sản, giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo an ninh lương thực.
Chử Cường
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/co-nen-yeu-ma-hoa-phan-bon-hoa-hoc-a10672.html