"Cuộc chiến” cây giống ở châu Á

Kỳ I: MẤT CẢNH GIÁC, GIAO CÂY GIỐNG CHO ĐỐI THỦ CẠNH TRANH

STNN - Gần đây, Bộ Nông Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đã công bố ước tính rằng: Giống nho mẫu đơn (Shine Muscat) cao cấp nổi tiếng của Nhật, khi được trồng tại Trung Quốc, mỗi năm dẫn đến thiệt hại cho Nhật hơn 10 tỷ yên, và từ năm 2012 đến 2017, việc Hàn Quốc chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu dâu tây đã gây thiệt hại cho Nhật Bản khoảng 22 tỷ yên.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Nho mẫu đơn là giống nho được Tổ chức Nghiên cứu Lương thực và Nông nghiệp Quốc gia Nhật Bản gây giống trong hơn 30 năm. Giá một chùm nho mẫu đơn loại quà tặng cao cấp có thể lên tới 10.000 yên (tương đương khoảng 2 triệu đồng, 600 nhân dân tệ).

Giống cây chất lượng cao của Nhật Bản “chảy” ra nước ngoài gây nên xung đột về lợi ích, ảnh hưởng rất lớn nhất đến ngành nông nghiệp Nhật Bản có nguyên nhân từ những người trồng cây của Hàn Quốc. Để tìm ra vướng mắc về cây giống giữa hai nước này, cần ngược dòng trở về thập niên 90 của thế kỷ trước.

Giống dâu tây Nhật Bản tràn sang Hàn Quốc

Từ những năm 1990, Hàn Quốc đã lấy dâu Nhật Bản để trồng, bao gồm ba giống Ngọc Trai Đỏ từ tỉnh Ehime, Akihime từ tỉnh Shizuoka và Tochiotome từ tỉnh Tochigi. Vào thời điểm đó, một số công ty tư nhân của Nhật Bản và chính quyền địa phương đã cho một số “cá nhân ươm giống” người Hàn Quốc được phép mang giống dâu tây của mình đi.

Kết quả là, các nhà lai tạo giống của Hàn Quốc đã lai Akihime và Ngọc Trai Đỏ để tạo ra một giống mới có tên gọi Bạch Tuyết. Bắt đầu từ năm 2005, dâu tây Bạch Tuyết được quảng bá trên đất nước Hàn Quốc như một "giống nội địa”, mỗi năm giống này chiếm khoảng 10% diện tích trồng dâu tây của Nhật tại Hàn.

Chỉ ba năm sau, Bạch Tuyết đã vượt qua Ngọc Trai Đỏ của Nhật Bản để trở thành giống dâu tây được trồng rộng rãi nhất tại Hàn (năm 2013, nó đã chiếm 75,6% diện tích trồng dâu tây). Tính đến năm 2020, 96% giống dâu tây được trồng ở Hàn Quốc là giống nội địa.

Năm 2001, giống Maehyang lai giữa Tochiotome và Akihime lại tạo nên một làn sóng mới bởi trong quá trình bảo quản ở nhiệt độ thấp trái dâu Maehyang đã gia tăng về lượng đường trong quả, quả chắc, màu đẹp, và trở thành giống dâu xuất khẩu chính của Hàn Quốc. Tiếp theo là các giống Arihyang (tổ hợp lai giữa Tochiotome với Bạch Tuyết), rồi đến Kuemsil… cũng đang được xuất khẩu mạnh.

Theo số liệu thống kê của Tổng Công ty Phân phối thực phẩm nông nghiệp và thủy sản Hàn Quốc (KATI), khối lượng dâu tây xuất khẩu của Hàn Quốc đang tăng lên theo từng năm. Theo thống kê của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, năm 2019, tổng diện tích trồng dâu tây của Hàn Quốc là 6.212 ha, tổng sản lượng là 193.000 tấn, quy mô ngành dâu tây của Hàn Quốc đứng thứ 3 ở châu Á và thứ 7 trên thế giới.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dâu tây của Hàn Quốc đạt 53,79 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2015 (33,03 triệu USD). Ngoài ớt, dâu tây là sản phẩm nông nghiệp duy nhất ở Hàn Quốc có giá trị sản lượng hơn 1.000 tỷ won.

Nhật Bản lo lắng và yêu cầu thử nghiệm di truyền các giống dâu tây Hàn Quốc, ngăn chặn các nhà nghiên cứu Hàn Quốc tiếp cận cơ sở lai tạo giống, nhưng đã quá muộn! Theo đánh giá của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản, từ năm 2012 đến 2017, việc Hàn Quốc chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu dâu tây đã gây thiệt hại cho Nhật Bản khoảng 22 tỷ yên.

Giới truyền thông Hàn Quốc đã phát động phong trào "Xua đuổi những quả dâu tây Hàn Quốc được sản xuất tại Nhật Bản", "Hướng tới làn sóng dâu tây Hàn Quốc" và những tựa báo khác tương tự đã làm dấy lên sự bất mãn trong người dân Nhật Bản.

Nhật Bản cũng phải tự chịu trách nhiệm

Một cựu quan chức Nhật Bản nói: Tôi đã từng nói rằng hãy bán dâu tây cho Singapore, và họ nói dâu tây không tươi khi sang đến Singapore. Nhưng khi tôi sang Singapore, tôi thấy ở siêu thị của họ có dâu tây nhập từ Hàn Quốc. Tôi lại hỏi nhân viên phụ trách xem có lí do gì nữa mà dâu tây Nhật không sang Singapore được như dâu tây Hàn, thì họ nói vì dâu tây thối rất nhanh và giá rất rẻ… Toàn những lời nói tiêu cực!

Người nông dân trồng cây ăn quả của Nhật Bản từng rất “ngây thơ”. Cùng với việc Nhật Bản hạn chế các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu, người trồng cây ăn quả rất hài lòng ở thị trường nội địa, và việc xuất khẩu trái cây rất khó khăn cũng khiến họ ngại ra nước ngoài để đăng ký bản quyền. Khi các nhà vườn nước ngoài đến giao lưu và nói rằng họ muốn quảng bá trái cây ngon của nước Nhật ở đất nước của họ thì người Nhật Bản đã giao cây giống cho họ hết lần này đến lần khác mà không biết rằng họ là những đối thủ cạnh tranh tiềm năng.

Các công nhân đang "điều hòa không khí" cho dâu tây xuất khẩu - Nguồn: Cơ quan Phát triển Nông thôn Hàn QuốcCòn người Hàn Quốc, để giải quyết vấn đề dâu tây bị mềm và mốc trong quá trình xuất khẩu, họ đã rất nỗ lực trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ đóng gói. Người Hàn sử dụng công nghệ đóng gói MA duy trì nồng độ oxy 2% ~ 6% và nồng độ carbon dioxide 15% ~ 20% bên trong gói, sử dụng màng polyamide (PA) có tính thấm nước cao và màng polyethylene mật độ thấp đàn hồi (LLDPE) để làm vật liệu đóng gói, có tác dụng khắc phục được những yếu tố khiến trái dâu tây bị mềm, nhạt màu, giảm hàm lượng đường đồng thời nó có thể ức chế nấm mốc khiến trái dâu tươi lâu.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đã thành lập một tổ chức toàn diện về xuất khẩu dâu tây, in ấn và phân phối sổ tay “Hướng dẫn xuất khẩu dâu tây” để hướng dẫn nông dân sản xuất dâu tây đạt tiêu chuẩn và an toàn. Để khuyến khích xuất khẩu dâu tây, một khoản trợ cấp được đưa ra cho chi phí hậu cần hàng không và phí cấp bằng sáng chế được thu từ những người trồng ở Việt Nam, Myanmar, châu Âu, New Zealand, Hoa Kỳ và các nước khác đang trồng các giống dâu của Hàn Quốc.

Chử Cường

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/cuoc-chien-cay-giong-o-chau-a-a10788.html