STNN - Sáng 11/8/2022, Hội Luật gia TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của các quận/huyện Hội, Chi Hội Luật gia trực thuộc Thành hội vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Luật sư, Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị có các Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội: bà Nguyễn Thị Hoài Thanh, bà Tô Thị Thanh Hương; Chánh văn phòng Hội Luật gia, bà Phạm Thanh Hương; Luật sư, Thạc sỹ Chử Đức Toàn - Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Sinh thái Nông nghiệp; Luật gia, Thạc sỹ Nguyễn Sinh Đức; các nhà báo, phóng viên một số cơ quan báo chí cùng đại diện các quận/huyện Hội, Chi hội Luật gia trực thuộc Thành hội tham gia Hội nghị.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ khởi động từ rất sớm. BCH Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 kỳ họp thứ 5 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Hội Luật gia Việt Nam đã khẩn trương cùng với các cơ quan liên quan triển khai hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và đăng tải trên các phương tiện thông tin để lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu tác động với những điểm đổi mới quan trọng.
Hội nghị nhằm lấy ý kiến sâu sắc và thực tiễn của các địa phương để Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chuẩn bị trình Chính phủ và Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 năm 2022 theo kế hoạch; Ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, huy động quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho phát triển nhất là đất đai, tài chính; Xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên mà trọng tâm là đất đai; Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai; Đảm bảo tính thống nhất đồng bộ bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất; Phát triển lành mạnh thị trường quyền sử dụng đất; Chú trọng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng đầu cơ đất...
Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội đề nghị các đại biểu quan tâm, thảo luận tập trung vào các vấn đề về Bố cục và nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Những nội dung đổi mới cơ bản của dự thảo Luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Các trường hợp thu hồi đất, trưng dụng đất; Điểm mới về cơ chế thu hồi đất (chỉ được thu hồi đất sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ); Về giao đất, thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất; Mở rộng hạn mức, đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thúc đẩy tập trung đất đai, tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp nông nghiệp; Về hoàn thiện các quy định có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất…
Bà Tô Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội: Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thay thế Luật Đất đai năm 2013 có một số điểm mới nổi bật, như: Bỏ khung giá đất, tính giá đất cụ thể cho từng vị trí (Điều 19, Điều 131); Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi đã hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ (Điều 96); Bổ sung các quy định về thời hạn sử dụng đất (Điều 140); Giao đất và cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá, đấu thầu dự án tại Mục 2 chương V...
Theo bà Tô Thị Thanh Hương, việc bổ sung, thay đổi, sửa đổi một số điều của Dự luật đã phần nào tháo gỡ được một số điểm nghẽn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đất đai trong 8 năm qua. Việc bỏ khung giá đất được xem là bước đột phá trong việc sửa đổi Luật Đất đai lần này, tạo điều kiện cho các địa phương được chủ động xác định giá đất sát thực với giá đất thị trường để đạt được mục tiêu hoàn thiện cơ chế giá đất. Nhà nước xác định giá đất sẽ đảm bảo khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất và làm tăng thu thuế, phí và lệ phí từ đất cho Nhà nước.
Tuy nhiên, khi tiếp cận Dự luật Đất đai với 237 điều luật, bà Tô Thị Thanh Hương cho rằng đây vẫn là luật khung, luật ống bởi khi Dự luật có hiệu lực thì Luật Đất đai không thể thực hiện được ngay vì phải đợi hơn 70 điều luật trong Dự thảo giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Trong khi đó, có nhiều điều luật có thể quy định chi tiết cụ thể luôn trong Dự luật vì vậy đề nghị Dự luật càng chi tiết cụ thể để khi có hiệu lực các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức và người dân có thể thực hiện được ngay.
Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ Lê Trung Đức nhận định: Hiện nay, còn có những ách tắc bởi những quy định, nhất là giá đất chưa phù hợp với giá thị trường. Người dân và nhà đầu tư đều kỳ vọng rằng những tồn tại, hạn chế và bất cập trong Luật Đất đai 2013 sẽ được các cơ quan chức năng và Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi. Đề nghị phải bỏ khung giá đất, giá đất cần phải được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc, phương pháp theo giá thị trường chứ không thể dựa vào khung giá đất. Bảng giá đất phải được cập nhật thường xuyên, phù hợp với tình hình thị trường.
Luật gia Trần Văn Duy (Hội Luật gia quận Tây Hồ) cho rằng: Việc đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư (Điều 65 Dự thảo Luật Đất đai về đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất) sẽ không phát huy, tối đa hóa các lợi ích, mục tiêu tổng thể về phát triển kinh tế xã hội của dự án như trường hợp lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu. Thực tế, khung giá đất của Nhà nước chưa phù hợp với giá đất thị trường, chỉ bằng 20-30% giá thị trường. Nếu chỉ đưa ra nguyên tắc, quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất thì không làm rõ được bởi đất giáp ranh giữa tỉnh giàu và tỉnh nghèo có giá đất khác nhau. Điều đó tạo ra sự bức xúc và tiềm ẩn các xung đột, cơ chế định giá đất thực sự chưa rõ ràng, minh bạch.
Luật gia Nguyễn Anh Thư - Phó Chủ tịch Hội Luật gia quận Hoàng Mai chia sẻ: Trên địa bàn quận Hoàng Mai có một số trường hợp đất, nhà không xác định được là đất loại gì, không cấp được sổ đỏ. Các trường hợp đất, nhà này thuộc sở hữu Nhà nước, TP. Hà Nội giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý, không bàn giao cho quận Hoàng Mai. Có những trường hợp đất, nhà bán trao tay qua nhiều chủ; có trường hợp chủ nhà qua đời, con ở nước ngoài, không làm thủ tục. Nếu có thể giao đất về quận, chính quyền có thể xác định được loại đất để quản lý…
Liên quan đến hạn mức giao đất nông nghiệp, Luật gia, Thạc sỹ Nguyễn Sinh Đức đề nghị: Sửa đổi theo hướng bỏ hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc tăng hạn mức cao hơn từ 50ha đến 100ha nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và quy định hạn mức áp dụng chung cho cả nước, không phân chia theo khu vực địa bàn cả nước. Đối với diện tích đất nông nghiệp tại các phường ở đô thị người dân đã làm nhà, đã ăn ở ổn định từ 05 năm trở lên thì được bồi thường hỗ trợ bằng 90% giá đất ở liền kề hoặc ưu tiên thỏa thuận đối với Dự án đầu tư của tư nhân nhằm hài hòa lợi ích của người dân, của Nhà nước và chủ đầu tư góp phần đưa Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này tiến gần hơn với đời sống của người dân nghèo tại các đô thị theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này; Dự thảo Luật Đất đai đã đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất về nội dung việc ban hành Luật, về thể thức đảm bảo thống nhất của Chương, Điều, khoản… và được điều chỉnh, bổ sung trên cơ sở nền tảng Luật Đất đai năm 2013. Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến tiếp thu các ý kiến đóng góp của các luật gia. Các ý kiến góp ý sẽ được Hội Luật gia TP. Hà Nội tiếp thu, tổng hợp làm cơ sở tham gia đóng góp hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bình Dương