Kỳ 2: DOANH NHÂN NGÀNH DƯỢC LIỆU VƯƠNG PHẤN HỐI LỘ
STNN - Bốn người trong vụ án gồm Cao Chấn Khôn, Lưu Hướng Quang, Kỉ Dũng, Điền Hạo đều liên quan đến cùng một người đưa hối lộ - Vương Phấn sinh năm 1964, một nữ doanh nhân ngành dược liệu.
Vương Phấn là người kiểm soát thực tế Nhà máy Bào chế thuốc bắc Kinh Hoản thành phố Bặc Châu (gọi tắt là Nhà máy Thuốc bắc Kinh Hoản). Trung Quốc có 4 trung tâm phân phối thuốc bắc lớn, gọi là “Tứ đại dược đô”, gồm: Bặc Châu ở An Huy, An Quốc ở Hà Bắc, Chương Thụ ở Giang Tây và Vũ Châu ở Hà Nam. Bặc Châu đứng đầu trong số này.
Nhà máy Thuốc bắc Kinh Hoản được thành lập vào tháng 5/2002. Ngành nghề hoạt động kinh doanh chính của nhà máy này bao gồm gia công, kinh doanh các loại thuốc bắc nguyên liệu và thuốc viên. Trong một thời gian dài, Vương Phấn nắm giữ 50% cổ phần của công ty.
Điều đáng chú ý là, ngay từ đầu thế kỷ này, Nhà máy Thuốc bắc Kinh Hoản đã tiến hành hợp tác chuyên sâu với Đồng Nhân Đường và thành lập ít nhất 6 công ty liên doanh: (1). Công ty TNHH Hiệu thuốc Hợp Phì Đồng Nhân Đường Bắc Kinh; (2). Công ty TNHH Thuốc bắc An Huy Đồng Nhân Đường Bắc Kinh; (3). Công ty TNHH Chuỗi nhà thuốc An Huy Đồng Nhân Đường Bắc Kinh; (4). Công ty TNHH Chế phẩm thuốc bắc Tham Nhung Đồng Nhân Đường Bắc Kinh; (5). Công ty TNHH Máy móc thiết bị y tế An Huy Đồng Nhân Đường Bắc Kinh; (6). Công ty TNHH Nhà thuốc Đồng Lăng Nhân Đường Bắc Kinh.
Hiện tại, ngoại trừ hai công ty thứ 5 và 6 đã bị hủy bỏ, bốn công ty còn lại vẫn tồn tại và Nhà máy Thuốc bắc Kinh Hoản nắm giữ 49% cổ phần của bốn công ty này.
Ngày 09/4/2021, sau khi Cao Chấn Khôn và Lưu Hướng Quang bị "ngã ngựa", Vương Phấn đã bị bắt giam. Vụ án Vương Phấn sau đó đã được giao cho Viện Kiểm sát khu Đông Thành Bắc Kinh để xem xét và truy tố.
Bên công tố buộc tội Vương Phấn - với tư cách là người kiểm soát thực tế doanh nghiệp gia tộc với trung tâm là Nhà máy Thuốc bắc Kinh Hoản - nhằm đảm bảo cung cấp liên tục các loại thuốc bắc cho Đồng Nhân Đường và củng cố mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, cũng bao gồm "củng cố sự hiện diện của công ty ở Giang Tô, Sơn Đông, An Huy về các vấn đề như quyền phân phối An Cung Ngưu Hoàng Hoàn và cung cấp liên tục An cung, từ năm 2007 tới 2021 đã đưa hối lộ cho Cao Chấn Khôn (2,4 triệu tệ), Lưu Hướng Quang (180 ngàn tệ), Kỉ Dũng (400 ngàn tệ), Điền Hạo (1,96 triệu tệ).
Người bào chữa của Vương Phấn xác nhận với phóng viên của Mạng quan sát kinh tế rằng tại giai đoạn của Viện Kiểm sát, Vương Phấn đã “thú nhận tội lỗi và chấp nhận hình phạt”. Tháng 5/2022, Tòa án khu Đông Thành Bắc Kinh đã ra phán quyết sơ thẩm rằng Nhà máy Thuốc bắc Kinh Hoản phạm (phạt 1,5 triệu tệ) và Vương Phấn (phạt tù 2 năm, phạt tiền 300 ngàn tệ) về tội hối lộ. Sau phiên tòa đầu tiên, Vương Phấn đã không kháng cáo.
Về phần Đồng Nhân Đường, trong phiên sơ thẩm Vương Thanh Tuyền bị kết tội nhận tổng tài sản khoảng 3,31 triệu nhân dân tệ, tội nhận hối lộ và bị kết án 10 năm tù. Vương Thanh Tuyền kháng cáo. Trong giai đoạn sơ thẩm thứ hai, Tòa án Nhân dân trung cấp số 2 Bắc Kinh đã bác đơn kháng cáo và giữ nguyên bản án ban đầu. Cao Chấn Khôn, Lưu Hướng Quang, Kỉ Dũng, Điền Hạo cũng bị tòa tuyên án.
Tháng 01/2022, Tòa án khu Đông Thành Bắc Kinh đã kết án Kỉ Dũng về tội nhận hối lộ và kết án 4 năm tù giam cùng khoản tiền phạt 200.000 nhân dân tệ. Tòa án kết luận: Kỉ Dũng đã nhận hối lộ 900.000 nhân dân tệ, 60.000 đô la Mỹ và một thỏi vàng trị giá hơn 330.000 nhân dân tệ. Trong số các khoản hối lộ này, có 400.000 nhân dân tệ và 20.000 đô la Mỹ do Vương Phần đưa.
Tòa án đã không công khai bản án của Cao Chấn Khôn, Lưu Hướng Quang, Điền Hạo. Tuy nhiên, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Thành phố Bắc Kinh đã làm một phim tài liệu cảnh báo về trường hợp của Cao Chấn Khôn.
Bộ phim giới thiệu: Cao Chấn Khôn không chỉ nắm chắc quyền mua các nguyên liệu tốt có nguy cơ tuyệt chủng như xương báo, xạ hương, sừng linh dương, ngưu hoàng, v.v.., mà còn sử dụng lợi thế của nguồn cung cấp và thông tin, đã tư lợi được hơn 15 triệu nhân dân tệ; còn sắp xếp người của mình vào các vị trí quan trọng, cố gắng dựng Đồng Nhân Đường thành “cơ sở việc làm cho người thân và bạn bè” với chính ông ta là nòng cốt và người vợ đã trở thành “Bộ trưởng tổ chức ngầm”.
Sau khi “Sự cố mật ong” nổ ra vào năm 2018, đối mặt với Chủ tịch mới của Tập đoàn, vợ chồng Cao Chấn Khôn đã cố tình đưa ra các chỉ số hoạt động không tốt, thậm chí còn mời một thầy bói để tính toán sự ra đi và ở lại của lãnh đạo mới, để đạt được mục đích loại bỏ những người bất đồng chính kiến và tuyên bố chủ quyền. Đồng thời, Cao Chấn Khôn còn tuyên bố, những việc của Đồng Nhân Đường không thể để cấp trên cho người xuống tham dự vào.
Chứng minh cho điều này là vào năm 2019, năm tài chính đầy đủ đầu tiên sau khi Vương Quế Bình nhậm chức Chủ tịch Tập đoàn, thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận ròng giảm lần lượt 6,56% và 13,12% so với cùng kỳ năm trước đó. Năm 2020, thu nhập từ hoạt động kinh doanh lại giảm 3,40% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, sau khi Cao Chấn Khôn và những người khác “ngã ngựa”, thu nhập hoạt động và lợi nhuận ròng của Đồng Nhân Đường lần lượt tăng trưởng là 13,86% và 19,00%.
Chử Cường (theo tờ Quan sát kinh tế - TQ)
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/an-tham-nhung-tai-dong-nhan-duong-vuong-phan-hoi-lo-bon-lanh-dao-cap-cao-ky-2-a11039.html