STNN - Ngày càng có nhiều nơi ở Moscow (Nga), các tình nguyện viên chia sẻ ngũ cốc, thực phẩm, trái cây cho những người cần đến nó. Cách đây không lâu, chỉ có người dân Moscow chia sẻ thực phẩm của mình nhưng gần đây các siêu thị cũng bắt đầu vào cuộc.
Những người “giải cứu thức ăn”
Lina Adamova năm nay 21 tuổi. Do bị lừa gạt nên tình hình tài chính của cô rất khó khăn, thậm chí cô không có tiền để mua thức ăn. Cô tình cờ biết đến việc chia sẻ thức ăn trong một nhóm Telegram cộng đồng. Ở đây, mọi người mang thức ăn chưa hết hạn sử dụng (chỉ là đồ ăn cận date và thậm chí còn rất ngon) để chia sẻ cho những người cần.
Các tình nguyện viên căn cứ theo lịch đặt trước, phân phát thực phẩm cho những người có khó khăn về thực phẩm. Một trong những người tham gia chiến dịch, Anna Kaletnikova, một cư dân của quận Otradnoye cho biết, nhiệm vụ đầu tiên của các tình nguyện viên không phải là phân phát thực phẩm, mà là “giải cứu thức ăn”. Vì lý do này, các tình nguyện viên đã gọi những người đến lấy thức ăn là những người cứu hộ, chứ không phải những người cần thức ăn.
Anna nói, hàng tấn thực phẩm chưa hết hạn sử dụng bị bỏ thối rữa trong các bãi rác mỗi ngày trong khi hàng nghìn người thiếu thức ăn. Mục đích của việc chia sẻ thức ăn là để loại bỏ sự mất cân bằng này.
Các tình nguyện viên cũng nhận thức ăn từ các nhà hàng và siêu thị. Thực tế là đôi khi, các quản lý cửa hàng bán lẻ chia sẻ thực phẩm cận date cho những người “giải cứu thức ăn” còn tiết kiệm chi phí hơn là giữ chúng trên kệ cho đến phút cuối cùng. Bởi vì, một khi thanh tra phát hiện thực phẩm hết hạn trong cửa hàng, cửa hàng có thể bị phạt nặng.
Các nhà vận động cho tổ chức phi lợi nhuận “Chia sẻ đồ ăn” cho biết: Thực phẩm phải được phân phối hết trước khi hết hạn sử dụng. Việc hàng cận date được chia sẻ cho những người “giải cứu đồ ăn” trước khi thực phẩm đó đến ngày hết hạn phản ánh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Trong chuỗi siêu thị "Five Kopeks", ngoài khách hàng, bạn có thể nhìn thấy nhân viên chuỗi cửa hàng cũng đang chọn thức ăn. Daliga, một giám sát viên của siêu thị cho biết: “Hàng ngày, chúng tôi lọc ra những thực phẩm còn hạn sử dụng trong một hoặc hai ngày ra khỏi kệ, sau đó giao chúng cho các tình nguyện viên”.
Chuỗi siêu thị “VkusVill” cũng có 17 cửa hàng tham gia vào hoạt động này. Họ đã ký một thỏa thuận quyên góp để cung cấp thực phẩm miễn phí với tổ chức phi lợi nhuận Share Food do họ tự sở hữu. Theo đại diện chuỗi siêu thị, mỗi tháng có tới 1,5 tấn thực phẩm được phân phối theo phương thức này. Bằng cách này, trung bình một siêu thị có thể tìm thấy bảy mặt hàng trên kệ sắp đến hạn loại bỏ. Trước khi có phong trào chia sẻ đồ ăn, những thức ăn này đã bị vứt bỏ.
Tình nguyện viên
Các tình nguyện viên đến cửa hàng lấy thức ăn để mang đi chia sẻ, họ thuộc mọi thành phần, lứa tuổi nhưng đều có chung một triết lý là tiết kiệm thức ăn. Một tình nguyện viên cho biết: “Trung bình mỗi tình nguyện viên sẽ phụ trách từ 3 đến 5 gia đình, thường là những nhà có nhiều trẻ em và có thu nhập thấp. Khi chúng tôi mang thức ăn đến cho họ, họ rất cảm kích”. Hầu hết các gia đình người nhận sống gần các cửa hàng và nhà hàng, nơi các tình nguyện viên đến lấy thức ăn.
Các nhà hoạt động về ẩm thực chia sẻ, nhiều người bị nơi làm việc sa thải hoặc các sinh viên đại học do không thu xếp hợp lý được chi phí sinh hoạt do cha mẹ cho, đã không có thức ăn để ăn. Họ cũng là những người cần nhận thức ăn từ nguồn chia sẻ thức ăn này.
Việc phân phối thực phẩm cho các “cứu tinh của đồ ăn”, thường được thực hiện thông qua các nhóm trên mạng xã hội. Các tình nguyện viên thông báo việc “đặt chỗ” sau khi đăng danh sách đồ ăn. Cách làm rất đơn giản, người “cứu tinh của đồ ăn” sẽ ghi set đồ ăn nào họ cần vào bình luận bên dưới bài viết. Thông thường, thức ăn được phân phát hết chỉ trong vài phút.
Ngoài đồ ăn truyền thống, việc chia sẻ cho các “cứu tinh của đồ ăn” một số đồ ăn “không bình thường” cũng dần trở nên phổ biến. Ví dụ, bánh mì kiều mạch xanh không chứa gluten. Các tình nguyện viên đã tìm thấy một nhóm người ở Moscow tự nướng bánh mì không chứa gluten và phân phát miễn phí. Đó là một may mắn cho những người không có tiền và cơ thể không dung nạp gluten!
Những người “cứu trợ thức ăn” đến nhận thực phẩm tại nhà của tình nguyện viên vào đúng thời gian đã hẹn. Ngoài ra, cơ hội nhận được đồ ăn miễn phí còn đến từ các cửa hàng phân phối bánh tươi bán không hết trong ngày, hay các loại bánh nướng không kịp bán sau kỳ nghỉ lễ.
Làm thế nào để nhận được sự giúp đỡ?
Thật dễ dàng tìm thấy sự giúp đỡ và người cần giúp đỡ trên các trang mạng xã hội như Vkontakte hay Telegram! Ở đây, có các nhóm người dân ở Moscow và những người tình nguyện đã hoạt động từ lâu. Những người kịp đặt đồ ăn có thể nhận được salad, bánh nhân thịt và súp tự làm, nhiều người còn chia sẻ rau và trái cây từ vườn của họ.
Nhiều nhà máy thực phẩm và tiệm bánh cũng giao thực phẩm tồn đọng trong ngày. Nhưng thường thì những người “cứu tinh của đồ ăn” không biết được ai đã tặng thực phẩm cho mình bởi các tình nguyện viên thường viết: “Món quà từ đối tác bí mật”.
Diệu Huyền (theo Global Times)
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/phong-trao-chia-se-thuc-an-o-moscow-a11630.html