STNN - Mưa như trút. Nước dâng nhanh. Chỉ trong thời gian ngắn, huyện Yên Thành (Nghệ An) chìm trong biển nước. Cuộc sống của người dân bỗng chốc bị đảo lộn, nhiều hộ mất trắng.
Sáng 30/9, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành xác nhận: “Tình trạng ngập lụt trên địa bàn vẫn ở mức cao, đi lại hết sức khó khăn. Mưa lớn suốt nhiều ngày tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, lúc này chúng tôi đang tập trung nắm bắt diễn biến tại khu vực đê của xã Nhân Thành, nhìn chung không được phép chủ quan, lơ là”.
Không chỉ chia cắt cục bộ nhiều địa bàn, nước lũ dâng cao đã làm tê liệt các tuyến đường giao thông trọng điểm, khiến cho nhiều công trình bị hư hỏng nặng nề. Sản xuất nông nghiệp chịu thiệt hại không nhỏ, bước đầu ghi nhận hàng trăm héc-ta cây trồng bị ảnh hưởng, bao gồm nhiều diện tích rau màu ở các xã Tiến Thành, Hoa Thành, Minh Thành, Lăng Thành, Đô Thành, Hợp Thành…, khả năng cao rau màu bị thối, hỏng.
Không chỉ rau màu mà hàng loạt ao nuôi, trang trại cũng chịu chung số phận ngâm mình trong biển nước. Chỉ trong vài ngày, tài sản, tiền của của nhiều tổ chức, cá nhân bị cuốn theo dòng nước đục. Tình cảnh hiện tại hết sức xót xa.
Nhiều người dân quả quyết, đã hàng chục năm rồi diễn biến thiên tai mới khó lường đến thế. Không giấu nổi vẻ mệt mỏi, anh Đặng Khắc Hòa, trú tại xóm Đức Thành (Đô Thành, Yên Thành) chia sẻ: “Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, có lẽ bão lũ đợt này là kinh hoàng nhất. Mưa lớn từ đêm 28/9, kéo dài suốt từ lúc đó đến nay, đỉnh điểm nước dâng cao ngang cổ. Để đảm bảo tính mạng, hai vợ chồng tôi phải cấp tập di chuyển đến nơi an toàn; lợn, gà đành phải bỏ lại. Ngoài kia, nước lũ bao vây tứ bề, sốt ruột lắm nhưng không thể về nhà”.
Nước lũ dâng cao bất ngờ khiến một số hộ gia đình đành “bỏ của chạy lấy người”, nhà cửa bỏ không, tài sản trong nhà ngập nước, hư hỏng nặng. “Mọi năm, có mưa gió thế nào nước cũng chỉ mấp mé bờ ao, nhưng năm nay nước lên đột biến, gia đình tôi trở tay không kịp, đành phải di dời đi nơi khác, bỏ lại nhà cửa và tài sản trong nhà. Một phần là do mưa mấy ngày liên tục, một phần nữa là các đập chứa nước điều tiết lũ, gia đình có hơn 2 sào ao để nuôi cá nước ngọt nay ngập trong biển nước, mất trắng.” - Anh Nguyễn Đức Trung ở xóm Đông Thủy (xã Đô Thành, Yên Thành) nói trong nước mắt.
Trạm thực nghiệm và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi Yên Thành có hơn 100 héc-ta, có 40 héc-ta sản xuất nông nghiệp. Trạm hoạt động từ năm 2009 và cũng từ đó đến nay chưa biết đến hai từ “thiên tai”. Nhưng chỉ trong hai ngày qua, lượng mưa lớn, kết hợp với lũ ở thượng nguồn đổ về đã nhấn chìm toàn bộ diện tích đất nông nghiệp do đơn vị quản lý. Nhiều diện tích mô hình cây ăn quả, cây mùa có giá trị cao cùng 3,8 héc-ta ao nuôi cá thương phẩm mất trắng.
Không chỉ riêng diện tích đất nông nghiệp, đơn vị còn có 9 khoang kho với tổng trữ lượng 20 tấn giống dự trữ. Mặc dù số giống này đã được đơn vị kê cao, nhưng do nước dâng quá nhanh đã khiến một lượng lớn bị hư hỏng, thiệt hại ước tính hơn 700 triệu đồng. Tính sơ bộ, tổng thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.
Theo thông tin PV được biết, đến thời điểm này, xã Đô Thành có hơn 70 hộ bị ngập sâu trong nước, hơn 20 hộ chăn nuôi bị thiệt hại. Mưa lũ năm nay ở huyện Yên Thành diễn biến phức tạp, mực nước cao hơn những năm trước hơn 1m. Toàn huyện Yên Thành có hơn 200 hồ đập lớn nhỏ hiện nay đã đầy nước. Các hồ đập này đã được xây dựng từ rất lâu, trước tình trạng mưa lũ diễn biến phức tạp như hiện nay, liệu các hồ đập này có chịu đựng được áp lực của sức nước?
Bài, ảnh: Ngọc Linh
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/yen-thanh-chim-trong-bien-nuoc-nguoi-dan-mat-trang-a11878.html