Chủ động phòng ngừa lây nhiễm bệnh Đậu mùa khỉ ở động vật

STNN - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đợt bùng phát bệnh Đậu mùa khỉ năm 2022 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm. Phần lớn các ca bệnh có chẩn đoán xác định ở các quốc gia không có dịch bệnh lưu hành như châu Âu và Bắc Mỹ.

Bệnh Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút thuộc giống Orthopoxvirus, họ Poxviridae gây ra (có 02 biến chủng Tây Phi và biến chủng lưu vực Công-gô). Các ca bệnh xảy ra trong năm 2022 đều là biến chủng ở Tây Phi. Bệnh có thể lây truyền giữa người với các loài động vật linh trưởng, loài gặm nhấm nhỏ, sóc và chó nhà. Mặc dù, vi rút Đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm trên nhiều loài động vật có vú, tuy nhiên đến nay, hầu hết các ca bệnh Đậu mùa khỉ được ghi nhận trên người; ca bệnh phát hiện trên động vật rất ít; đường lây lan chủ yếu từ người sang người là do tiếp xúc gần với người mắc bệnh.

Để chủ động phòng ngừa lây truyền bệnh Đậu mùa khỉ ở động vật và giảm thiểu nguy cơ vi rút Đậu mùa khỉ lây từ động vật sang người, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đồng thời tổ chức phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 01/8/2022; trong đó chú trọng các nội dung sau:

1. Tổ chức thực hiện truyền thông tới người dân và cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp dự phòng dịch bệnh Đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Nhấn mạnh đặc điểm bệnh Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm có thể lây truyền giữa người và các loài động vật linh trưởng, loài gặm nhấm nhỏ và chó nhà; khuyến cáo người dân chủ động thông báo với cơ quan thú y khi phát hiện động vật (bao gồm động vật nuôi và động vật hoang dã) có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh (con vật có các biểu hiện ốm như sốt, bỏ ăn, ăn ít, phát ban và có xuất hiện nhiều mụn nước trên da); khuyến cáo người bị Đậu mùa khỉ không nên vuốt ve, âu yếm, ôm, hôn, ngủ chung, ăn chung… với thú cưng.

2. Giám sát chặt chẽ các trường hợp động vật nhập cảnh nghi nhiễm bệnh, đặc biệt động vật xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch bệnh Đậu mùa khỉ.

3. Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp nghi ngờ động vật mắc bệnh Đậu mùa khỉ, thông báo ngay cho cơ quan chuyên môn thú y của địa phương hoặc chính quyền địa phương; cơ quan chuyên môn thú y chủ động phối hợp với cơ quan y tế và các cơ quan liên quan tổ chức điều tra ổ dịch, lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm phát hiện tác nhân gây bệnh trong phòng thí nghiệm và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

4. Chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống trong trường hợp dịch bệnh Đậu mùa khỉ xảy ra trên động vật.

5. Bộ NN&PTNT giao Cục Thú y chỉ đạo các đơn vị thuộc Cục khẩn trương: (i) Ban hành Tiêu chuẩn cơ sở chẩn đoán, xét nghiệm bệnh Đậu mùa khỉ trên động vật; (ii) Tổ chức tập huấn công tác giám sát, chẩn đoán, xét nghiệm bệnh Đậu mùa khỉ; (iii) Chuẩn bị sẵn sáng, bố trí nguyên vật liệu, trang thiết bị cần thiết và tổ chức xét nghiệm mẫu nghi nhiễm Đậu mùa khỉ; (iv) Xây dựng kế hoạch và tổ chức chủ động giám sát một số loài động vật mẫn cảm với bệnh bệnh Đậu mùa khỉ tại Việt Nam.

Mai Chi

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/phong-ngua-lay-nhiem-benh-dau-mua-khi-tren-dong-vat-sinhthainongnghiep-a12038.html