STNN – Tập đoàn Masan tiếp tục được vinh danh trong Top 15 "Doanh nghiệp niêm yết có năng lực quản trị tài chính tốt năm 2022". Đây là năm thứ ba liên tiếp Masan được xướng tên trong danh sách này.
Khả năng tạo ra dòng tiền vững chắc
Ba năm trở lại đây, bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều khó khăn đã diễn ra tại Việt Nam và thế giới. Lạm phát tăng cao khiến ngân hàng trung ương các nước và Việt Nam phải chuyển từ chính sách nới lỏng sang thắt chặt tiền tệ (giảm cung tiền, tăng lãi suất) để kiểm soát lạm phát, ổn định môi trường kinh tế - xã hội. Những biến động bất khả kháng trên, một mặt, làm cho các doanh nghiệp suy yếu về năng lực tài chính, mặt khác, ngày càng khó tiếp cận được các nguồn vốn ở cả kênh cổ phiếu, trái phiếu, tín dụng ngân hàng, vay nước ngoài; đồng thời, khó bán hàng để có doanh thu do cầu thị trường yếu.
Trong bối cảnh khó khăn chung, các doanh nghiệp hoạt động trong mảng tiêu dùng – bán lẻ giàu tiềm năng, ít phụ thuộc vào chu kỳ thị trường và có năng lực vận hành tốt để tạo ra dòng tiền bền vững vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định. Một điển hình tại Việt Nam là Tập đoàn Masan.
Khởi đầu từ một công ty có thế mạnh cốt lõi là sản xuất hàng tiêu dùng, Masan đã mở rộng sang lĩnh vực chế biến thịt có thương hiệu, bán lẻ, chuỗi F&B và dịch vụ viễn thông. Đây là chiến lược để Tập đoàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang thay đổi hàng ngày và gia tăng khả năng tiếp cận đến 80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt.
Trong các hoạt động M&A, Masan Group là cái tên đáng chú ý với nhiều thương vụ đình đám: SK Group (Hàn Quốc) mua 16,26% của Masan tại VinCommerce (đã đổi tên thành WinCommerce) giá trị 410 triệu USD, The Sherpa (công ty con của Tập đoàn Masan mua 85% cổ phần của Phúc Long, The Sherpa chi 65 triệu USD mua 25% cổ phần Trusting Social… Trong đó, với thương vụ mua Phúc Long, Masan chia làm 3 đợt mua, đợt mua cuối, Masan đã mua 10,8 triệu cổ phiếu tương đương 34% vốn cổ phần của CTCP Phúc Long Heritage với tổng số tiền thanh toán là 3.618 triệu VND. Như vậy, định giá cho Phúc Long tiếp tục được nâng lên mức 10.640 tỷ đồng (khoảng 450 triệu USD).
Các nền tảng của Masan có hoạt động cốt lõi tập trung vào mảng tiêu dùng với khả năng tạo ra dòng tiền vững chắc có nhiều ưu thế để tiếp cận thị trường vốn trong nước và quốc tế với chi phí và điều khoản rất ưu đãi. Mới đây, Masan đã huy động thành công khoản vay hợp vốn lớn với tổng trị giá 600 triệu USD với lãi suất cạnh tranh là 6.5% từ gần 40 tổ chức tài chính, thể hiện năng lực tín dụng vững chắc của doanh nghiệp. Năm 2021, trong số 8,8 tỷ USD các "ông lớn" thế giới rót vốn vào doanh nghiệp Việt, riêng Masan đã thu hút 2,3 tỷ USD.
Dòng tiền do doanh nghiệp tạo ra cùng nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế được Masan đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh đúng mục đích và sinh lời. 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận các mảng kinh doanh chính của Tập đoàn Masan đạt 2.105 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.
“Trái ngọt” từ năng lực quản trị doanh nghiệp
Trong mảng bán lẻ, Masan đã cải thiện lợi nhuận chuỗi WinCommerce thông qua những thay đổi mạnh mẽ, không chỉ về mô hình cửa hàng mà còn ở việc mở rộng quy mô, đổi mới danh mục sản phẩm và đàm phán với nhà cung cấp để đưa ra giá thành tốt nhất cho người tiêu dùng.
Kết quả, chuỗi bán lẻ này đã có sự chuyển biến ngoạn mục. Nếu ở thời điểm năm 2020, WinCommerce vẫn còn lỗ xấp xỉ 1.700 tỷ đồng/năm thì đến cuối năm 2021, công ty này đã có lãi hơn 1.100 tỷ đồng (lãi EBITDA - lợi nhuận trước thuế và trước khấu khao), một sự chuyển biến gần 3.000 tỷ đồng chỉ trong 2 năm. Tính đến cuối Quý III/2022, Masan đã nắm giữ 50% thị phần cửa hàng bán lẻ hiện đại (siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi) trên toàn quốc. Bên cạnh việc mở rộng thị phần, Masan cũng đã gia tăng tỷ suất lợi nhuận. Tổng cộng đến nay đã có 3.049 cửa hàng WinMart+ đi vào hoạt động với hiệu suất của cửa hàng mới luôn vượt trội so với các cửa hàng cũ. Mặc dù mở rộng quy mô đáng kể, WCM đã cải thiện lợi nhuận với biên EBITDA là 3,3% trong Quý III/2022 so với 2,2% trong Quý II/2022 nhờ các cửa hàng cải thiện hiệu quả hoạt động và lượng khách đến cửa hàng gia tăng. Quý III/2022, EBITDA của WCM tăng 66,2% so với Quý II/2022 lên 251 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Masan đã triển khai các cửa hàng WIN đa tiện ích tích hợp nhiều dịch vụ tại duy nhất một điểm đến: WinMart (nhu yếu phẩm), Techcombank (dịch vụ tài chính), Phúc Long (trà và cà phê), Dr. WIN (chăm sóc sức khỏe) và WINtel (dịch vụ viễn thông, tên trước đây là Reddi).
Chương trình hội viên WIN cũng cán mốc 500.000 người gia nhập tính đến ngày 10/11. Ngoài tại các cửa hàng WIN, chương trình này hiện đã được triển khai tại hệ thống WinMart/WinMart+ Cần Thơ, Hải Dương và sắp tới là tất cả là toàn bộ chuỗi bán lẻ này. WinCommerce hiện đang phục vụ hơn 30 triệu lượt khách hàng mỗi tháng.
Thành quả đạt được chính là Tập đoàn Masan đã được vinh danh trong TOP 15 doanh nghiệp niêm yết có Năng lực Quản trị tài chính tốt năm 2022. Đây là giải thưởng uy tín nằm trong khuôn khổ chương trình “Đánh giá Năng lực hoạt động Doanh nghiệp 2022” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp (INBUS), Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội các Nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) phối hợp triển khai. Tiêu chí giải thưởng gồm 21 tiêu chí bình xét chủ chốt như: doanh thu, lợi nhuận, vòng quay vốn lưu động, chỉ số thanh toán nhanh, số vòng quay hàng tồn kho, khả năng thanh toán lãi vay...
Ngoài ra, Tập đoàn Masan cũng liên tiếp được bình chọn và góp mặt trong các bảng xếp hạng uy tín như: Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam (Forbes Vietnam); Top 10 của Bảng xếp hạng Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022 (Vietnam Report)...
Đức Quang
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/tap-doan-masan-tiep-tuc-duoc-vinh-danh-trong-top-15-doanh-nghiep-niem-yet-a13726.html