Nét đẹp làng nghề Việt Nam: Lồng chim làng Vác

STNN – Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 30 km, làng Vác (làng Canh Hoạch), xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội nổi tiếng khắp cả nước về nghề làm lồng chim.

Nghề làm lồng chim làng Vác là nghề “cha truyền con nối”

Vừa bước vào cổng làng, chúng tôi đã nhìn thấy hai bên đường là hai dãy nhà kiên cố cao 2 - 3 tầng mọc san sát nhau. Nhà được xây dựng hiện đại và có thẩm mỹ, khiến chúng tôi có cảm giác người dân ở đây có cuộc sống ấm no, dư giả.

Vang vọng trong không gian là âm thanh của các loại máy: máy mài, máy khoan, máy đục, máy cưa... Một không khí hăng say lao động rộn ràng khắp làng. Công việc thường ngày của người dân trong làng là làm ra những chiếc lồng chim thật đẹp để bán cho dân chơi chim trên khắp cả nước.

long-chim-lang-vac-1725607221.jpg

Mỗi chiếc lồng chim là một tác phẩm nghệ thuật - Ảnh: ST

Trao đổi với anh Đào Văn Phục, cơ sở sản xuất lồng chim Loan Phục, chúng tôi được biết, nghề làm lồng chim là nghề “cha truyền con nối” đã có từ rất lâu đời. Ngày xưa, do cuộc sống của mọi người còn khó khăn, các phương tiện vận chuyển rất ít, máy móc hỗ trợ không đủ, nên nghề làm lồng chim chưa phát triển. Khoảng 30 năm trở lại đây, khi cuộc sống khấm khá hơn, người dân quan tâm hơn tới thú vui chơi chim cảnh, công nghệ cũng phát triển và đặc biệt, mạng xã hội facebook đã lan tỏa và mang sản phẩm lồng chim làng Vác đến với nhiều người đam mê chơi chim trên khắp cả nước, thậm chí là cả nước ngoài.

Anh Phục chia sẻ: Trước đây, mọi người trong làng cũng làm nông nghiệp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn do thu nhập không ổn định, nhưng từ khi nghề lồng chim phát triển mạnh, các gia đình trong làng đều tập trung làm lồng chim, thu nhập của mỗi người là hàng chục triệu đồng một tháng nên cuộc sống cũng ổn định và phát triển hơn.

Vật liệu làm lồng chủ yếu là tre và trúc già được mua tại các tỉnh phía Bắc, như: Hòa Bình, Phú Thọ, Cao Bằng... Phải mua vật liệu trước cả năm, sau đó phơi khô rồi lưu trữ trong kho và sử dụng dần.

Làm lồng có rất nhiều công đoạn, như: chọn tang, chọn vanh, chân lồng, dựng thân lồng... nên tận dụng được hầu hết lao động trong gia đình. Các cháu học sinh ngoài giờ học trên lớp cũng có thể phụ giúp bố mẹ cắm công (nan) lồng nên cũng hạn chế được việc các cháu chơi game, chơi điện thoại. Trẻ lớn hơn, ngoài việc tham gia sản xuất, còn đăng bán lồng chim lên các hội nhóm fanpage chim cảnh để kiếm thêm thu nhập - anh Phục chia sẻ.

Sản phẩm làm ra, ngoài bán online trên các hội nhóm, còn đổ buôn cho các cơ sở buôn bán lồng chim trên khắp cả nước. Cả làng cũng có hàng chục gia đình mua xe tải lớn nhỏ để vận chuyển lồng chim đi bán buôn cho các cơ sở, cửa hàng trên khắp các tỉnh thành.

Mẫu mã đa dạng, giá cả phù hợp với túi tiền khách hàng

Mỗi gia đình trong làng nắm sở trường một loại lồng, điều đó đảm bảo mẫu mã lồng chim làng Vác vừa đa dạng, phong phú vừa tinh xảo. Ngoài ra, với từng loài chim, cần phải hiểu tập tính của nó để làm ra từng chiếc lồng phù hợp. Có gia đình chuyên sản xuất lồng khuyên, có hộ chuyên làm lồng mi, lồng chào mào, lồng khướu, lồng chòe, lồng chim gáy... Giá cả thì cũng theo yêu cầu của khách hàng, từ vài trăm ngàn tới hàng chục triệu đồng mỗi chiếc lồng.

Lồng chim làng Vác dù đắt hay rẻ cũng hội tụ đủ ba tiêu chí: đẹp - chắc - bền. Lồng rẻ được xếp loại là “lồng chợ”, giá chỉ vài trăm ngàn thì yêu cầu đơn giản hơn, làm cũng nhanh hơn. Trung bình, mỗi gia đình có 4 thành viên mỗi ngày có thể làm ra 8 - 10 chiếc lồng chợ. “Dân chơi” lồng kỹ tính, có điều kiện về kinh tế, thì đặt làm những chiếc lồng có giá hàng chục triệu đồng. Loại lồng này cầu kỳ ở từng chi tiết nhỏ, yêu cầu rất khắt khe, đòi hỏi nghệ nhân phải kỳ công và có bàn tay khéo léo cùng đầu óc thẩm mỹ.

long-chim-lang-vac-2-1725607221.jpg

Nghệ nhân làm lồng chim - Ảnh: ST

Trao đổi với anh Đào Đình Toán, người được anh em trong giới chơi chim cảnh gọi là “nghệ nhân lồng kỹ”, người chuyên làm lồng cao cấp có giá hàng chục triệu đồng, anh cho biết: Trung bình để hoàn thành mỗi chiếc lồng mất khoảng 7 - 10 ngày. Phải tỉ mỉ từng khâu, như chọn vật liệu phải là cây trúc cực già, phơi đủ nắng để tránh co ngót theo thời gian; vật liệu làm 1 chiếc lồng phải đồng bộ, chỉ lấy ở 1 cây trúc, bởi có như vậy thì theo thời gian các bộ phận của lồng mới ngả màu đều và càng để lâu lồng sẽ càng đẹp.

 

Chạm trổ thì theo yêu cầu của từng khách hàng, theo các điển tích xưa như: ngũ long tranh châu, bát tiên, thập bát La Hán, bầu bí côn trùng, mã đáo thành công... Thông thường, khi khách hàng đặt làm lồng kỹ, siêu kỹ là họ mua vì đam mê, mua về sưu tầm, treo làm cảnh chứ không dùng để nhốt chim - anh Toán chia sẻ thêm.

Đam mê nào cũng phải dành nhiều thời gian tìm hiểu và tốn kém về tài chính. Thú vui chơi chim cảnh là một thú vui tao nhã, tạo điều kiện cho làng nghề làm lồng chim làng Vác ngày càng phát triển, mang tới cuộc sống ấm no cho người dân. Nghề làm lồng chim làng Vác được giữ gìn và phát triển là góp phần lưu giữ lại một nghề truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Làng nghề lồng chim làng Vác đã đi vào ca dao như một minh chứng sinh động nhất cho bàn tay khéo léo của nghệ nhân trong làng qua nhiều thế hệ:

"Ai về làng Vác nhắn nhờ,
Mua lồng Canh Hoạch, đồ thờ Võ Lăng".

Đinh Văn Hưởng

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/net-dep-lang-nghe-viet-nam-long-chim-lang-vac-a13866.html