STNN - Sáng kiến "thay thế nhựa bằng tre", nhằm thúc đẩy các quốc gia giảm ô nhiễm nhựa và giải quyết các vấn đề môi trường và khí hậu. Có thể mở rộng từ tre thay nhựa sang tre thay thép, thay gỗ... Điều này không có nghĩa là vật liệu tre sẽ thay thế hoàn toàn các vật liệu khác, mà nó dựa trên bối cảnh ứng dụng và thay thế một cách có mục đích.
Doanh nghiệp lớn trong ngành tre
Tre sinh trưởng nhanh, trưởng thành sớm, công dụng đa dạng, có thể trồng một lần mà thu hoạch nhiều lần, hơn nữa khả năng hấp thụ carbon của rừng tre vượt xa cây thông thường. Hầu hết việc sử dụng tài nguyên tre trên thế giới là ở giai đoạn sử dụng tre thô và dệt dải tre. Trong những năm gần đây, những lợi ích kinh tế của ngành công nghiệp tre đã dần được khám phá.
Năm 2021, 10 bộ ngành của Trung Quốc trong đó có Cục Lâm nghiệp và Thảo nguyên quốc gia ban hành "Các ý kiến về việc thúc đẩy đổi mới và phát triển ngành tre", kế hoạch chi tiết cho sự phát triển của ngành tre đã được rút ra: tổng giá trị sản lượng của ngành tre quốc gia sẽ vượt quá 700 tỷ nhân dân tệ vào năm 2025 và sẽ vượt quá 1.000 tỷ nhân dân tệ vào năm 2035. Dựa trên tính toán này, tốc độ tăng trưởng kép có thể đạt khoảng 17%.
Dữ liệu cho thấy, nếu thế giới sử dụng 600 triệu tấn tre để thay thế các sản phẩm PVC (polyvinyl chloride) mỗi năm, thì dự kiến sẽ giảm được 4 tỷ tấn khí thải carbon dioxide. Do đó, ngành công nghiệp tre được công nhận trên toàn cầu là một ngành công nghiệp xanh.
Trung Quốc là quốc gia có nguồn tài nguyên tre phong phú nhất, lịch sử sản xuất các sản phẩm từ tre lâu đời nhất và nền văn hóa tre sâu nhất. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Công nghiệp Kinh doanh Trung Quốc "Phân tích thị trường thượng trung hạ du của chuỗi công nghiệp chế biến tre Trung Quốc năm 2021", tài nguyên tre của Trung Quốc chủ yếu phân bổ ở Phúc Kiến, Giang Tây, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Chiết Giang và Quảng Đông, tài nguyên tre ở 6 tỉnh này chiếm 77,6% tổng số của cả Trung Quốc.
Theo các bản tin của CCTV, hiện nay, diện tích rừng tre của Trung Quốc đạt 7,01 triệu ha, chiếm 1/5 tổng diện tích toàn thế giới. Vào năm 2020, tổng giá trị sản lượng của ngành tre tại Trung Quốc đạt gần 320 tỷ nhân dân tệ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sản phẩm tre vượt quá 2,2 tỷ đô la Mỹ, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sản phẩm tre trên thế giới, đã hình thành một hệ thống phát triển từ khai thác tài nguyên, chế biến và sử dụng, công nghệ nghiên cứu và phát triển thương mại trong và ngoài nước.
Ngô Sĩ Linh, người phụ trách Hợp tác xã tre trúc Kim Hâm huyện Ninh Hóa tỉnh Phúc Kiến nói với phóng viên rằng, hợp tác xã hiện đang cải thiện chất lượng măng và các sản phẩm từ tre, bằng cách thành lập các nhà máy chế biến sản phẩm tre và măng, đồng thời trồng dược thảo Hoàng Tinh hay nuôi gà, dê dưới cây tre... để gia tăng thêm giá trị của sản phẩm tre. Đây là nỗ lực của tỉnh Phúc Kiến nhằm xây dựng cơ sở rừng tre năng suất cao và thúc đẩy vững chắc việc chế biến sâu sản phẩm măng để thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của ngành tre.
Tìm kiếm lợi ích từ công nghệ
Khi tre truyền thống được kết hợp với công nghệ tiên tiến, không thể đánh giá thấp lợi ích kinh tế mà nó mang lại. Phóng viên được biết rằng, nhiều công ty tre đang tập trung vào đổi mới và tìm kiếm lợi ích từ khoa học và công nghệ.
Công ty hữu hạn cổ phần Tập đoàn khoa kỹ Long Trúc (Long Bamboo Technology Group Co., Ltd). Tại thành phố Nam Bình, tỉnh Phúc Kiến - quê hương của tre, tiếp tục thúc đẩy đổi mới công nghệ. Ống hút tre cuộn mà công ty phát triển đã nhận được 65 bằng sáng chế và có lợi thế rõ ràng trong việc thay thế ống hút nhựa. Ưu điểm chống bỏng và độ bền của sản phẩm tre có thể giải quyết các nhược điểm của ống hút giấy là mềm và không dễ sử dụng. Ngoài ra, tre có lợi thế rõ ràng về giá so với nhựa phân hủy PLA (axit polylactic).
Vào ngày 14/11 vừa qua, Long Trúc thông báo rằng họ đã ký “Thỏa thuận khung hợp tác chiến lược” với Công ty CRRC Sơn Đông và Viện Nghiên cứu Công nghiệp Sơn Đông (Thanh Đảo). Ba bên sẽ hợp tác trên ba khía cạnh: công nghiệp tận dụng nguồn phế thải tre, đổi mới trong lĩnh vực ứng dụng "thay thế nhựa bằng tre" và nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới từ tre.
Ông Liên Kiện Xương, Chủ tịch của Công ty Long Trúc trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên cho biết rằng, hiện công ty đã tăng tỷ lệ sử dụng vật liệu tre từ 20% lên 70% và sẽ xem xét công nghệ tiếp theo, cố gắng đạt được những bước đột phá lớn hơn trong một hoặc hai năm tới.
Ngày 09/11, Công ty hữu hạn cổ phần Khoa học kỹ thuật Song Thương (Suncha Technology Co) đã tuyên bố trên nền tảng tương tác với nhà đầu tư rằng, trong vòng ba năm tới, họ có kế hoạch mua dự trữ 1 triệu mẫu (1 mẫu = 667m2) rừng tre, đồng thời đầu tư và xây dựng các nhà máy ở An Cát và Khánh Nguyên (Chiết Giang), Tư Khê (Giang Tây)… và những nơi tập trung tài nguyên tre khác, để tích hợp các ngành công nghiệp liên quan.
Ông Lưu Tú, Viện trưởng điều hành Viện Nghiên cứu công nghiệp tre Vĩnh An, Chi nhánh công nghiệp tre (Vĩnh An) của Viện Đổi mới hợp tác tỉnh Phúc Kiến, nói với các phóng viên rằng, "thay thế nhựa bằng tre" không chỉ tập trung vào bao bì đóng gói, phục vụ ăn uống và vật dụng hàng ngày cần thiết, mà còn liên quan đến đường ống, cấu trúc kỹ thuật và các lĩnh vực khác. Hiện tại, vật liệu composite sợi tre, các sản phẩm liên quan đến sợi tre, ống hút tre, chất độn lưới tre, vật liệu đóng gói composite vi sợi tre, vật liệu composite cuộn tre và các công nghệ khác đã có những bước đột phá lớn.
Mời bạn đọc đón xem kỳ 2, tại đây.
Chử Cường lược dịch (theo Tin tức Chứng khoán Thượng Hải)
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/tre-dang-dan-thay-the-nhua-trong-doi-song-san-xuat-ky-1-a14166.html