STNN - Những ngày này, nông dân xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau đang tất bật chăm sóc vụ dưa hấu để cung ứng cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 sắp đến.
Từ nhiều năm qua, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau luôn là địa phương có diện tích trồng dưa hấu lớn của tỉnh Cà Mau. Riêng vụ dư hấu cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, bà nông dân xã Lý Văn Lâm đã xuống giống hơn 90ha dưa hấu. Trong đó, chủ yếu các giống dưa An Tiêm, dưa lai Mỹ, hạt lép, Thành Long, dưa ruột vàng… Những ngày này, trên nhiều cánh đồng trồng dưa hấu, bà con nông dân đang tất bật chăm sóc để kịp thu hoạch bán vào dịp Tết. Theo dự kiến, vào khoảng từ ngày 23 đến 25 tháng Chạp năm Nhâm Dần, bà con sẽ đồng loạt thu hoạch để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Phụng, ở ấp Bà Điều là người đã có 12 năm kinh nghiệm trồng dưa hấu. Vụ dưa hấu Tết năm nay, ông Phụng trồng 12 công dưa An Tiêm và 6 công dưa Thành Long ruột đỏ. Ông Phụng cho biết: “Để trồng dưa hấu đạt năng suất cao, trong giai đoạn mới xuống giống, phải chú trọng khâu chăm sóc thì sau này dưa sẽ cho trái to, đẹp, ít sâu bệnh. Đối với giống dưa An Tiêm thường để đáp ứng nhu cầu trưng, cúng vào dịp Tết thì chăm sóc cực hơn. Khi dưa ra trái, phải chỉnh sửa nhiều lần thì trái mới đẹp và không để côn trùng cắn phá làm vỏ trái dưa bị trầy xước, mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Năm nay, do thương lái đặt hàng từ trước nên tôi không lo đầu ra. Hiện tại, dưa đang phát triển tốt, tầm 24 - 25/12 âm lịch là thu hoạch. Nếu giá bán bằng năm rồi, vụ dưa Tết năm nay tôi sẽ lãi hơn 100 triệu đồng”.
Năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Hưng, ngụ ấp Bà Điều trồng 3 công dưa hấu giống Mỹ và 2 công dưa hấu An Tiêm. Anh Hưng cho biết: “Do diện tích đất ít nên tôi chỉ trồng dưa để cung ứng nhu cầu trưng Tết của người tiêu dùng. Đặc điểm chung của 2 giống này đều cho trái to, nhưng chất lượng dưa An Tiêm sẽ ngon hơn. Đối với kỹ thuật chăm sóc, thì 2 loại dưa này đều phải dưỡng trái rất kỹ, không cho bị méo hoặc bị trầy xước thì bán mới được giá cao. Giai đoạn này, tôi đang tập trung tưới nước cũng như bón phân để trái đạt trọng lượng lớn nhất có thể”.
Ngoài trồng dưa hấu, trên địa bàn xã Lý Văn Lâm có hơn 10 hộ nông dân chuyên trồng hoa bán vào dịp Tết. Đây là mô hình mang lại thu nhập ổn định vào dịp Tết cho nhiều hộ dân trong thời gian qua.
Năm nào cũng vậy, vào dịp Tết là thành viên trong gia đình chị Nguyễn Kim Tiên, ngụ ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm lại tất bật vào vụ hoa Tết. Ngoài 1 công đất vườn lên liếp trồng theo luống, gia đình chị Tiên còn trồng thêm 1.000 chậu vạn thọ, 300 chậu cúc vàng, 50 chậu hướng dương, đáp ứng nhu cầu trưng Tết của người dân. Chị Tiên cho biết: “Năm nay, tôi trồng số lượng nhiều hơn năm trước. Trồng hoa phải tốn công chăm sóc thì hoa mới phát triển tốt và bán được giá. Hoa vạn thọ từ khi xuống giống đến khi thu hoạch từ 70 - 80 ngày. Trong thời gian này, phải bón phân, tưới nước và nhất là không để sâu bệnh phá hoại. Nếu chăm sóc tốt, cây sẽ ra nhiều hoa to và đẹp hơn. Giá bán mỗi cây hoa vạn thọ dao động từ 10 – 12.000 đồng, mỗi chậu, từ 25 - 35 ngàn đồng, trừ chi phí, vụ hoa Tết gia đình tôi kiếm được trên 20 triệu đồng để vui Xuân, đón Tết”.
Mặc dù, thời tiết đầu vụ không được thuận lợi, nhưng nhờ áp dụng kỹ thuật và có kinh nghiệm chăm sóc nên vụ dưa hấu và hoa bán vào dịp Tết của bà con nông dân xã Lý Văn Lâm đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ có một vụ mùa bội thu.
Kim Nhiên - Cổng TTĐT Cà Mau
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/__trashed-6__trashed-a14748.html