STNN- Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, một số dự án khuyến nông về sản xuất chè hữu cơ đã hướng tập trung tại những vùng có lợi thế phát triển các giống chè, tạo các sản phẩm chè có chất lượng cao, từ đó dễ dàng chuyển đổi từ sản xuất thường sang sản xuất chè hữu cơ. Trong đó, điển hình là Dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất chè hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại tỉnh Nghệ An”.
Dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất chè hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại tỉnh Nghệ An” được thực hiện tại thôn Tân Hợp, xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An với quy mô: 10 ha/năm, thực hiện 3 năm liên tiếp tại 1 điểm trình diễn, do Trung tâm Khuyến nông Nghệ An tổ chức chủ trì, thực hiện từ năm 2022 - 2024. Áp dụng công nghệ quy trình kỹ thuật trồng thâm canh chè theo tiêu chuẩn hữu cơ do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc ban hành tại Quyết định số 288 QĐ/MNPB-KH ngày 03/4/2020. Bao gồm nội dung: Xây dựng 01 mô hình chuyển đổi thâm canh chè theo hữu cơ thời kỳ kinh doanh; Xây dựng 01 mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh liên kết theo chuỗi (sản xuất - thu hoạch - sơ chế) giữa người dân và doanh nghiệp;
Kết quả thực hiện, cây chè sinh trưởng tốt; từ đầu năm đến nay các hộ đã thu hoạch được từ 4 lứa chè. Năng suất tùy từng lứa hái, từ 1,5 - 2,5 tấn/ha/lứa; Các hộ tham gia mô hình đã dần thay đổi tư duy, nhận thức về sản xuất chè hữu cơ, áp dụng tốt quy trình, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật; Chứng nhận sản phẩm: 100% sản phẩm chè mô hình năm thứ 3 được chứng nhận hữu cơ và cấp tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ngoài ra, các dự án khác như dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè Shan tuyết tại Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn”, thực hiện từ năm 2016 - 2018, đã xây dựng thành công 20 ha mô hình sản xuất chè shan theo hướng hữu cơ. Sau khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật áp dụng vào mô hình đã làm mật độ búp tăng 75%, khối lượng búp tăng 33,3%, số lứa hái tăng 27,3%, sâu bệnh hại giảm, đặc biệt năng suất búp đã tăng 229,4% so với trước khi thực hiện mô hình (do hiện trạng trước khi thực hiện dự án, người dân chăm sóc quảng canh nên sau khi được tác động bởi các biện pháp kỹ thuật của dự án, năng suất chè đã tăng rõ rệt). Phân tích chất lượng nguyên liệu, đất, nước và mẫu nguyên liệu tại mô hình đều đạt điều kiện sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ. Qua tính hiệu quả kinh tế cho thấy mô hình sản xuất nguyên liệu tăng hiệu quả kinh tế lên 249,4%.
Từ năm 2016 - 2017, trong khuôn khổ dự án “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp sinh thái khu vực sông Mekong gồm 4 quốc gia: Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam - Dự án ACTAE” do Trung tâm hợp tác quốc tế về nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển (CIRAD - CH Pháp) tài trợ, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã thực hiện đề tài: "Duy trì và tiếp tục phát triển mô hình canh tác Chè hữu cơ tại xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ". Mô hình được thực hiện nhằm tạo ra sản phẩm chè hữu cơ, nâng cao giá trị sản xuất chè, dần làm thay đổi nhận thức và chuyển đổi phương thức sản xuất chè cho nông dân trong vùng. Kết quả thực hiện mô hình cho thấy: Các công thức thí nghiệm có xu hướng cho năng suất giảm so với đối chứng, tuy nhiên hiệu quả kinh tế lại tăng 38,9-92%. Trong đó công thức thí nghiệm làm cỏ thủ công, bón phân chuồng 30 tấn/ha, che phủ bằng rơm rạ, bón phân hữu cơ dung dịch, dùng các biện pháp bẫy bả... cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Sản phẩm từ mô hình qua theo dõi, phân tích đánh giá liên tục 2 năm cho thấy đều đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng cao.
Theo mard.gov.vn
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/xay-dung-mo-hinh-mau-san-xuat-che-huu-co-lien-ket-theo-chuoi-gia-tri-tai-nghe-an-a15956.html