STNN - Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023, toàn ngành phấn đấu phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ các rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ngành.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong năm 2022, công tác khoa học công nghệ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, năm 2022, toàn ngành đã tập trung xây dựng khung nhiệm vụ bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, nghiên cứu chọn tạo giống; triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu về giống. Bên cạnh đó, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ và ứng dụng khoa học công nghệ trong các khâu của chuỗi giá trị sản xuất; nâng cao năng lực hệ thống quản lý nghiên cứu, chọn tạo sản xuất giống cây trồng vật nuôi.
Đáng chú ý, trong năm 2022, ngành NN&PTNT đã triển khai thực hiện 307 nhiệm vụ khoa học công nghệ, môi trường cấp Bộ; nghiệm thu 38 đề tài nghiên cứu khoa học,... Kết quả đã công nhận được 18 giống mới và 12 tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình kỹ thuật mới. Nhiều tiến bộ kỹ thuật sau khi áp dụng đã nâng cao hiệu quả của sản xuất tối thiểu từ 10-15%, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất; sản phẩm nông nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, tổ chức sản xuất bền vững với môi trường.
Với Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đã tạo ra được 2 giống ngô mới, 11 tiến bộ kỹ thuật mới; quy trình nhân giống keo lai bạch đàn lai đạt quy mô 3 triệu cây/năm; quy trình công nghệ bảo quản cá ngừ đại dương bằng công nghệ nano, quy trình công nghệ nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng hai cấp,… Đồng thời, Bộ đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thực hiện công nhận vùng, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, đã có 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, 18 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao địa phương công nhận (tăng 6 vùng so với năm 2021); có trên 135 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư; có 290 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng 239 doanh nghiệp so với năm 2021.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, năm 2023, toàn ngành NN&PTNT phấn đấu phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ các rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ngành. Triển khai các chiến lược phát triển ngành hàng theo hướng tích hợp đa giá trị, tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, giải quyết các khâu then chốt phát triển nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu, sản xuất giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, phát triển thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện kế hoạch năm 2023 tái cấu trúc Chương trình sản phẩm quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 đối với lúa gạo, nấm, cà phê, cá da trơn, tôm nước lợ; thực hiện Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao giai đoạn 2021 – 2030 nhằm thúc đẩy phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng, hiệu quả ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ công tác quản lý vật tư nông nghiệp, kiểm tra chuyên ngành, tập trung giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chủ lực. Năm 2023, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện 38 đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, 11 dự án sản xuất thử và 34 đề tài tiềm năng cấp Bộ về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; biện pháp kỹ thuật quản lý tổng hợp một số cây trồng chủ lực.
Theo Chinhphu.vn
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/day-manh-doi-moi-sang-tao-phuc-vu-san-xuat-nong-nghiep-a16248.html