STNN - Thời gian qua, các đồn Biên phòng đóng chân trên địa bàn huyện A Lưới đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực chung tay, góp sức với Bộ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ biên giới.
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới (viết tắt là Chỉ thị 01), thời gian qua, các đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở khu vực biên giới; qua đó, góp phần quan trọng củng cố nền Biên phòng toàn dân vững chắc, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Ngay khi Chỉ thị 01 được ban hành, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện đưa chỉ thị vào cuộc sống. Đồng thời, các đồn Biên phòng và chính quyền các xã biên giới đã xây dựng các quy chế phối hợp trong thực hiện Chỉ thị 01, trong đó xác định đồn Biên phòng là lực lượng chủ trì, nòng cốt. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thực hiện phong trào, nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, biển đảo trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuyến biên giới đất liền của tỉnh Thừa Thiên Huế dài 80,4km, tiếp giáp với 2 tỉnh Salavan và Sêkông của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, có 2 cửa khẩu A Đớt - Tà Vàng và Hồng Vân - Cu Tài; gồm 12 xã biên giới thuộc huyện A Lưới. Người dân sinh sống ở khu vực biên giới chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số như: Tà Ôi, Pa Kô, Cơ Tu, Pa Hy…
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những năm qua, nhiều chương trình, dự án quốc gia đã đầu tư phát triển kinh tế, xã hội ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Nhờ đó, đời sống của nhân dân biên giới ngày càng được cải thiện, nâng cao, góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng.
Để phát huy vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, thời gian qua, các đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn huyện A Lưới đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực chung tay, góp sức với Bộ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ biên giới. Trong đó, đã thành lập 43 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới với hàng ngàn lượt người dân ở khu vực biên giới tham gia. Qua đó đã phát huy vai trò, trách nhiệm, duy trì hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh trật tự khu vực biên giới”.
Đặc thù người dân là thường canh tác, trồng trọt ở sát khu vực biên giới nên khi có sự việc xảy ra, người dân kịp thời báo tin khi phát hiện hành vi xuất nhập cảnh, hành nghề trái phép trong khu vực biên giới, phát hiện các hoạt động khai thác trái phép lâm, thổ sản, khoáng sản, xâm hại tài nguyên môi trường…; sẵn sàng tham gia cùng lực lượng biên phòng đấu tranh với các hoạt động vi phạm, khi có lệnh.
Trong năm, người dân đã cung cấp hàng trăm tin, tài liệu có giá trị; đồng thời, cùng lực lượng biên phòng phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm, các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn khu vực biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc.
Đối với hơn 120km, các đồn biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương các xã biên giới đã tổ chức thành lập 101 tổ tàu thuyền an toàn với 1.404 thuyền viên tham gia. Đây là những cánh tay nối dài của lực lượng Bộ đội Biên phòng, mỗi ngư dân là một cột mốc để giữ vững an ninh trật tự trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Những chiếc tàu máy công suất lớn và lực lượng ngư dân đoàn kết cùng nhau ngày đêm vươn khơi bám biển sản xuất, cũng là lực lượng nắm tình hình, kịp thời báo tin cho Bộ đội Biên phòng khi phát hiện có tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải, xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đồng thời, sẵn sàng cơ động trực tiếp đấu tranh với các hành vi vi phạm trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo; phối hợp với Bộ đội Biên phòng thực hiện có hiệu quả các biện pháp ngăn chặn, phòng, chống tàu cá sử dụng lưới keo (giã cào) khai thác hải sản sai vùng quy định, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); phối hợp cứu hộ cứu nạn trên biển.
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 01 và Ngày hội Biên phòng toàn dân gắn với phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã biên giới đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân. Trong năm qua, đã tổ chức gần 500 buổi tuyên truyền cho gần 42 nghìn người nghe.
Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng đã có nhiều mô hình, việc làm thiết thực như: phối hợp với UBMTTQVN tỉnh, các nhà hảo tâm huy động nguồn lực xây dựng, trao tặng hơn 10 ngôi nhà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; huy động hàng nghìn ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ giúp người dân sửa chữa nhà ở, khắc phục hậu quả hiên tai; tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào các dân tộc biên giới… với tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng.
Với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế luôn phát huy truyền thống, vượt qua mọi thử thách, không chỉ giữ vững chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà còn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã biên giới thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc trong tình hình mới, Bộ đội Biên phòng tỉnh xác định, tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các lực lượng và quần chúng nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia. Tích cực vận động quần chúng trong khu vực biên giới tham gia bảo vệ an ninh, trật tự xóm bản, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định chính trị các làng, bản biên giới. Các đơn vị biên phòng tiến hành gắn cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” với phong trào tự quản đường biên cột mốc, kết hợp hài hoà các lợi ích và nghĩa vụ công dân ở thôn, bản khu vực biên giới. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho nhân dân khu vực biên giới nâng cao ý thức trách nhiệm về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia, về âm mưu thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tự giác tham gia phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh, trật tự thôn bản khu vực biên giới”. Với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, của cấp uỷ đảng các địa phương, sự điều hành của chính quyền các cấp, vai trò nòng cốt, chuyên trách của Bộ đội Biên phòng và các ngành, đoàn thể, tin tưởng rằng, phong trào xây dựng nền biên phòng toàn dân sẽ mang lại hiệu quả to lớn, tạo nên "lũy thép" nơi biên cương, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.
Tin, ảnh: Võ Tiến
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/xay-dung-nen-bien-phong-toan-dan-vung-chac-a16842.html