STNN - Năm 2012, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chỉ định ngày 21 tháng 3 là Ngày Quốc tế về Rừng, là một ngày hành động quốc tế nhằm nhắc nhở mọi người nâng cao ý thức về tầm quan trọng của rừng. Năm 2023, chủ đề Ngày quốc tế về Rừng là “Rừng và Sức khỏe”, với thông điệp “Hãy cho đi, đừng chỉ nhận lại vì bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ sức khỏe của bạn!”.
Rừng - nhân tố sống còn đối với cuộc sống của con người
Theo Báo cáo mục tiêu rừng toàn cầu năm 2021 của Liên Hợp Quốc, rừng là nhân tố sống còn đối với cuộc sống của con người. Rừng là không gian sinh tồn, nơi cư ngụ của 80% các loài sinh vật trên đất liền; 75% nguồn nước sạch mà con người có thể tiếp cận được trên thế giới cũng đến từ các lưu vực sông, suối có rừng.
Có khoảng 1/3 dân số thế giới, tương đương 2,4 tỷ người sử dụng gỗ và củi từ rừng làm năng lượng cho việc nấu nướng và sưởi ấm; cũng có khoảng 40% nguồn năng lượng tái tạo trên thế giới đến từ rừng.
Rừng còn có mối liên hệ trực tiếp với sức khỏe con người. Thống kê của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy, 75% bệnh truyền nhiễm từ động vật và thường xuất hiện khi rừng bị tàn phá. Ở trong rừng và gần rừng có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch…
"Cỗ máy" khổng lồ giúp thanh lọc không khí và nguồn nước
Rừng là lá phổi xanh của Trái Đất. Rừng là nơi sinh sống của nhiều loại cây khác nhau. Với đặc tính sinh trưởng tự nhiên, trong quá trình quang hợp, cây xanh có khả năng hấp thụ lớn lượng khí CO2, đồng thời tạo ra nhiều tác động tích cực đối với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Bên cạnh khí CO2, cây xanh còn có khả năng hấp thụ các chất độc hại từ không khí khác như Anhidrit, Sunfua, Clo, Amoniac… Cơ chế này được hình thành do quá trình quang hợp, cây sản xuất các ion âm (NAI) có khả năng hấp thụ những chất dạng hạt lơ lửng và thanh lọc không khí. Ngoài ra, cây xanh còn có thể hấp thụ, chuyển hóa nhiều chất độc hại trong đất và nguồn nước.
Ngoài nuôi đất, bồi bổ chất dinh dưỡng cho đất, rừng còn giúp điều hòa dòng chảy trong sông ngòi và dưới đất. Những vùng có nhiều rừng che phủ sẽ hạn chế được thiên tai, hạn hán, lũ lụt.
Rừng là kho thuốc quý
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 80% dân số ở các nước đang phát triển có nhu cầu sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu. Trong các cánh rừng, có vô vàn loài cây dược liệu có thể điều chế để làm thuốc giúp chữa bệnh và tăng cường sức khỏe con người. Rừng cung cấp cho các cơ sở sản xuất dược phẩm, y học cổ truyền, thực phẩm chức năng và các chế phẩm sinh học từ cây thuốc.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng báo động là nhiều cây thuốc tự nhiên trong rừng đang dần biến mất; một phần do vấn nạn phá rừng đang diễn ra nghiêm trọng, phần khác là do việc khai thác cây thuốc tràn lan, tận diệt. Việc giáo dục ý thức gìn giữ, bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc là vô cùng cần thiết.
Chủ đề hoạt động của Ngày Quốc tế về Rừng qua các năm:
2023 - Rừng và Sức khỏe 2022 - Rừng và sản xuất và tiêu dùng bền vững 2021 - Khôi phục rừng: Con đường dẫn tới khôi phục kinh tế và hạnh phúc 2020 - Rừng và Đa dạng sinh học: Quá quý giá để mất đi 2019 - Rừng và Giáo dục - Học cách yêu rừng 2018 - Rừng và Thành phố bền vững 2017 - Rừng và năng lượng 2016 - Rừng và nước - Duy trì sự sống và sinh kế 2015 - Rừng - Khí hậu - Thay đổi 2014 - Rừng của ta - Tương lai của chúng ta. |
Hoàng Giáp
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/bao-ve-rung-cung-chinh-la-bao-ve-suc-khoe-cua-ban-a17589.html