STNN – Có tới 96,26% tổng số cơ sở Khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp trên toàn quốc là một trong những thành tựu đáng kể của BHXH Việt Nam đã đạt được sau chỉ hơn 1 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) tính tới ngày 15/03/2023, hệ thống đã xác thực gần 75,8 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ trên 102,5 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bên cạnh đó, toàn quốc cũng đã có 12.326 cơ sở Khám chữa bệnh triển khai Khám chữa bệnh BHYT bằng Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp (đạt 96,26% tổng số cơ sở Khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc), với trên 17 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp phục vụ làm thủ tục Khám chữa bệnh BHYT.
Ngoài ra, đối với việc triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia BHXH Việt Nam cũng đã đạt được những thành tích rất nổi bật. Cụ thể, việc tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình, hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý gia hạn 748 thẻ BHYT thông qua dịch vụ Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng thông qua Cổng DVC BHXH Việt Nam và Cổng DVC quốc gia.
Về liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí, theo thống kê tại 02 địa phương triển khai thí điểm (Hà Nội và Hà Nam) đã tiếp nhận và giải quyết 17.383 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 655 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí được thực hiện qua 02 nhóm DVC liên thông này.
Còn về giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BHTN cho 72.458 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
Từ những con số thống kê trên, có thể thấy BHXH Việt Nam đã rất nỗ lực để thực hiện việc chuyển đổi số của đơn vị mình trong công cuộc chuyển đổi số của Quốc gia. Những nỗ lực không mệt mỏi của BHXH Việt Nam đã được ghi nhận bằng những con số và đang dần hoàn thiện hơn, làm “giàu” hơn cho kho cơ sở dữ liệu của Quốc gia.
Được biết, Đề án 06 là “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2020. Mục tiêu của Đề án là Ứng dụng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Cụ thể, với việc xây dựng, hoàn thiện kho CSDL hơn 98 triệu dân, là nền tảng CSDL Quốc gia về bảo hiểm, BHXH Việt Nam đã kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngay từ khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức. Đến hết tháng 12/2022, hệ thống đã xác thực trên 71,2 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ gần 62,3 triệu lượt thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ CCCD gắn chíp, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ BHYT giấy trong KCB BHYT, giúp người tham gia giảm thời gian, thủ tục khi đi KCB; triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên CCCD gắn chíp trong KCB BHYT và trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận “Một cửa” cơ quan BHXH, giúp người tham gia, thụ hưởng thực hiện các TTHC về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được nhanh chóng và thuận tiện. Kết quả, cả nước đã có trên 12 nghìn cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp trong KCB BHYT (chiếm 93,8% tổng số cơ sở KCB BHYT).
Đáng chú ý, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành để "làm giàu" thêm các CSDL của Ngành, CSDL Quốc gia về bảo hiểm, phục vụ giải quyết quyền lợi của người dân, DN. Trong đó, kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu khai sinh, khai tử, hưởng chế độ tử tuất, mai táng phí với Bộ Tư pháp; bổ sung, điều chỉnh, chuẩn hóa dữ liệu trao đổi, chia sẻ với Tổng cục Thuế; hoàn thiện kết nối kỹ thuật, xây dựng quy chế kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDLQG về Bảo hiểm với CSDL của Bộ Tài nguyên và Môi trường; kết nối, đồng bộ, bổ sung thêm 5 trường thông tin từ CSDL quốc gia về Bảo hiểm vào CSDL quốc gia về dân cư; duy trì việc kết nối, cung cấp số liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ….
Đặc biệt, ngày 21/11/2022, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 3509/QĐ-BHXH để thí điểm việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính liên thông điện tử: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia tại TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Việc triển khai hai nhóm DVC này, không chỉ mang lại lợi ích, giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân, người lao động khi chỉ cần thực hiện 1 lần nhưng có thể giải quyết được 3 thủ tục hành chính kèm theo, mà còn giúp nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, đặc biệt với ngành BHXH Việt Nam sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo quyền lợi cho người dân, người tham gia BHXH, BHYT; từ đó hướng tới triển khai rộng rãi hai nhóm DVC liên thông trên toàn quốc.
Theo phân công nhiệm vụ triển khai Đề án 06 trong năm 2023, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đảm bảo và kiện toàn hệ thống CNTT để tiếp tục đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan; tiếp tục rà soát, làm sạch thông tin dữ liệu y tế, bảo hiểm, thuế; tiếp tục triển khai chống trục lợi BHXH, BHYT, trong đó, phấn đấu khoảng 80% cơ sở KCB sử dụng CCCD gắn chíp để xác thực sinh trắc học.
Đức Quang
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/nhung-thanh-tich-noi-bat-cua-bhxh-viet-nam-khi-trien-khai-de-an-06-a17616.html