STNN - Để tái cơ cấu ngành nghề, phát huy tối đa hiệu quả sản xuất nông nghiệp không thể thiếu sự đầu tư của doanh nghiệp, các tổ chức đối với lĩnh vực này. Bởi vậy, nhiều năm qua, các địa phương tại tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng đa dạng các hình thức tổ chức và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm và thủy sản.
Là xã gần như bao quanh bởi biển, người dân ở Đồng Rui (Tiên Yên, Quảng Ninh) đã tận dụng lợi thế này nuôi vịt biển đẻ trứng. Để phát triển mô hình này theo hướng tập trung nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm trứng cũng như thuận tiện về đầu ra, xã đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi vịt Đồng Tiến. Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc HTX Chăn nuôi vịt Đồng Tiến, cho biết: "Xã đã tiến hành quy hoạch gần 600ha diện tích mặt nước để chăn nuôi, đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ chăn nuôi vịt biển cho một số hộ dân, thành viên HTX. Mỗi hộ gia đình khi tham gia mô hình chăn nuôi theo hướng mới đều được cung ứng 125 con vịt biển giống, hỗ trợ 50% kinh phí thức ăn và thuốc thú y; hướng dẫn áp dụng KHKT vào chăn nuôi”. Được biết, hiện HTX Chăn nuôi vịt Đồng Tiến có 30 hộ tham gia mô hình nuôi vịt biển lấy trứng, với tổng đàn khoảng 17.000 con, cung ứng ra thị trường 13.000 quả trứng vịt biển mỗi ngày.
Không chỉ HTX Chăn nuôi vịt Đồng Tiến mà hiện nay số lượng HTX, tổ hợp tác (THT) ngày càng tăng và đa dạng, phù hợp và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Số HTX ứng dụng công nghệ cao và chuỗi liên kết tăng trong các năm. Hiện toàn tỉnh có 430 HTX nông nghiệp tổng hợp (tăng 78 HTX so với năm 2000); 119 THT (tăng 23 tổ so với năm 2000); 2 Liên hiệp HTX nông nghiệp, tổng hợp; 230 trang trại.
Các HTX, THT trong lĩnh vực nông nghiệp đang phát triển liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp với tổng số 40 chuỗi liên kết với 26 HTX tham gia chuỗi liên kết. Số HTX làm ăn hiệu quả được duy trì và tăng lên với doanh thu bình quân của đạt 850 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng/HTX, qua đó mang lại thu nhập bình quân đạt 2,5 triệu đồng/lao động/tháng. Còn doanh thu bình quân của THT đạt 550 triệu đồng/tổ/năm với lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng/tổ/năm, cho thu nhập bình quân 45 triệu đồng/người/năm. Giá trị nông sản hàng hóa bình quân một trang trại đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.
Nhiều mô hình liên kết điển hình, triển khai có hiệu quả, như: Mô hình HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Dương (TX Đông Triều) sản xuất và tiêu thụ khoai tây Atlantic với Công ty ORION Hàn Quốc, sản lượng 1.200 tấn/năm, doanh thu đạt trên 8 tỷ đồng; hay 6 chuỗi liên kết hàu và các sản phẩm từ hàu thu mua và chế biến hàu với tổng diện tích nuôi 445,7ha, sản lượng 3.120 tấn/năm; mô hình HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều) tập trung liên kết sản xuất nông sản sạch cung cấp ra thị trường và cung cấp cho hơn 10 bếp ăn tập thể cơ quan, nhà hàng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tổng số lượng mỗi năm cung cấp 700-1.000 tấn rau, củ ra thị trường, doanh thu đạt trên 25 tỷ đồng...
Cùng với đó, tỉnh cũng tiếp tục củng cố và xây dựng HTX nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP để nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 70 HTX nông nghiệp tham gia chương trình OCOP với 153 sản phẩm, trong đó 18 sản phẩm đạt 4 sao, 56 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm, hàng hóa đã được xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng, được thị trường chấp nhận đóng góp thiết thực trong chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh các mô hình HTX, THT, trang trại, tỉnh cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông, lâm nghiệp và thủy sản, bước đầu tạo hiệu quả, như: Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco - Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn BIM; Công ty Cổ phần Thủy sản Việt Úc; Công ty Thủy sản N.G Việt Nam... Thậm chí, một số doanh nghiệp lớn đã mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, như: Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long, Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường... từng bước phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Qua việc đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất, việc chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao cũng được đẩy mạnh, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp. Phần lớn các mô hình triển khai đạt hiệu quả tốt, phù hợp với xu hướng sản xuất, mở rộng xây dựng dự án để tạo đà cho phát triển vùng sản xuất lớn, như các dự án: Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP; xây dựng mô hình trồng hồi ghép theo hướng hữu cơ phục vụ chế biến và xuất khẩu; mô hình trồng thâm canh cây quế theo hướng hữu cơ; mô hình nuôi cá song theo hướng VietGAP trong lồng bằng vật liệu mới HDPE; mô hình chăn nuôi bò lai BBB (Blanc Bleu Belge) sinh sản khép kín an toàn dịch bệnh...
Với việc đa dạng các hình thức tổ chức, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng chuyển biến, mang lại hiệu quả cao. Riêng năm 2022, giá trị sản xuất lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 14.593 tỷ đồng. Các chỉ tiêu nông nghiệp năm 2022 cơ bản đều đạt kế hoạch. 3 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản toàn tỉnh đạt 3,74%, cao hơn 0,24 điểm phần trăm so với tốc độ tăng cùng kỳ 2022.
Theo Quảng Ninh Portal
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/da-dang-hinh-thuc-to-chuc-san-xuat-nong-nghiep-a17913.html