STNN - Ngày 30/3/2023, tại tỉnh Trà Vinh, Công ty TGS Trà Vinh Green Hydrogen đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất hydro xanh.
Đây là dự án sản xuất hydro có quy mô lớn nhất hiện nay và là dự án sản xuất hydro xanh từ nguồn năng lượng tái tạo đầu tiên được đầu tư tại Việt Nam.
Được xây dựng trên khu đất có diện tích 21ha, với vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng, nhà máy dự kiến đi vào vận hành từ Quý I/2024, công suất 24.000 tấn khí hydro/năm và 195.000 tấn khí oxy/năm. Nhà máy sử dụng công nghệ điện phân nước biển, chủ yếu từ nguồn điện năng tái tạo. Theo đó, nhà máy được kỳ vọng sẽ giải quyết đầu ra cho sản lượng điện năng dư thừa của các nhà máy điện gió, điện mặt trời trong khu vực. Dự án tại Trà Vinh có thể giải quyết việc làm cho khoảng 300 - 500 lao động.
Công ty TGS Trà Vinh Green Hydrogen là công ty con của tập đoàn The Green Solutionsdo thành lập năm 2016, tại thời điểm các nguồn năng lượng truyền thống đang có xu hướng ngày càng khan hiếm. Các lĩnh vực quan tâm của Tập đoàn gồm: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối (biomass) và hydrogen.
Tháng 3/2022, trong khuôn khổ Đối thoại Chuyển đổi Năng lượng Berlin lần thứ VIII, The Green Solutions đã ký thỏa thuận với tập đoàn Thyssenkrupp của Đức để sản xuất hydro và amoniac xanh tại Việt Nam từ năm 2022 đến năm 2050. Khối lượng cam kết của hai bên khoảng 216.000 tấn amoniac xanh và 36.000 tấn hydro xanh mỗi năm.
Thông thường, người ta gán cho hydrogen ba màu - xanh, lam và xám - ứng với cách mà chúng được sản xuất và lưu trữ carbon. Các loại hydrogen “xám” được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch, thông qua quá trình nhiệt khí hóa hoặc reforming tạo ra H2 và thải CO2 ra bầu không khí. Nếu lượng CO2 này được thu giữ và chôn vào lòng đất, sản phẩm của quá trình đó sẽ chuyển thành hydrogen “lam”. Nếu hydrogen được sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời thông qua quá trình điện phân nước thì chúng mặc nhiên được công nhận là hydrogen “xanh”.
Hydro được lưu trữ dưới dạng khí lỏng, dễ dàng vận chuyển và xuất khẩu trong giai đoạn đầu khi thị trường hydro ở Việt Nam chưa phát triển. Hydrogen được coi là một yếu tố quan trọng để giúp các ngành công nghiệp trung hòa carbon, mặc dù công nghệ này vẫn còn đắt đỏ và đang ở giai đoạn phát triển ban đầu. Có thể sử dụng hydrogen làm nhiên liệu cho các loại xe ô tô, xe bus, xe tải hạng nặng để chúng thải ra hơi nước thay vì khí carbon như hiện nay. Hydrogen cũng là hóa chất được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp luyện kim, lọc dầu, sản xuất chất bán dẫn, mỹ phẩm…
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/nha-may-hydrogen-xanh-dau-tien-o-viet-nam-a18147.html