STNN - Đa dạng sinh học ở Việt Nam mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Phát biểu tại hội thảo khoa học “Sự cần thiết phải nghiên cứu thực trạng, đề xuất giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường bền vững” diễn ra vào 14/4, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk Vương Hữu Nhi cho biết, Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao với nhiều kiểu hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Đa dạng sinh học ở Việt Nam mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; duy trì nguồn gen tạo giống vật nuôi, cây trồng; cung cấp vật liệu cho xây dựng và là các nguồn dược liệu, thực phẩm… Ngoài ra, hệ sinh thái tự nhiên còn đóng vai trò điều tiết khí hậu và bảo vệ môi trường; tạo nguồn cảm hứng văn hoá nghệ thuật…
Tỉnh Đắk Lắk có giá trị đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật quý hiếm; là khu vực phong phú và đa dạng về hệ sinh thái, trữ lượng gỗ lớn; có những loài động, thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang đứng trước không ít thách thức khi bảo tồn đa dạng sinh học trong mối liên quan tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội; hệ sinh thái tự nhiên bị tác động và suy thoái; hệ thực vật và động vật bị suy giảm khá nghiêm trọng, nhiều loài đứng trước nguy cơ bị xóa sổ…
Để bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn các nguồn gen tự nhiên nguy cấp quý hiếm, các nguồn gen cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao trên địa bàn, đồng thời sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững KT-XH địa phương… cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và cộng đồng, người dân.
Các nội dung được quan tâm tại hội thảo gồm: đánh giá tác động của quá trình chuyển đổi rừng sang trồng cao su tại Đắk Lắk; nâng cao nhận thức cộng đồng vùng đệm về bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Yok Don; bảo tồn Thuỷ tùng; quy định mới về đa dạng sinh học…
Các ý kiến tại hội thảo đã xác định các nguyên nhân chính làm mất đa dạng sinh học; đề ra các giải pháp hợp lý nhằm giải quyết xung đột giữa bảo tồn và phát triển, nhất là vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước ở những nơi có mức đa dạng sinh học cao; tăng cường bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học ở cả các mức độ hệ sinh thái, loài và nguồn gen; đẩy mạnh quản lý và kiểm soát rủi ro của sinh vật ngoại lai xâm hại, sinh vật biến đổi gen và các sản phẩm của chúng tới môi trường và sức khoẻ của con người…
Đại biểu cũng chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm hay, những cách làm sáng tạo trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường bền vững trên địa bàn; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường bền vững trên địa bàn Đắk Lắk trong thời gian tới.
Công Việt
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/dak-lak-tang-cuong-cong-tac-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-a18689.html