STNN - Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn chú trọng và đầu tư nguồn lực cho công tác PCCC và CNCH. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành ký kết các quy chế phối hợp trong công tác PCCC và CNCH; chỉ đạo UBND cấp huyện xây dựng và thực tập phương án chữa cháy rừng và nhà cao tầng.
Sáng ngày 15/5, Đoàn khảo sát của Bộ Công an do Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra 499 vụ cháy dân sự và 328 vụ cháy rừng. Thiệt hại do cháy gây ra làm 06 người chết, 07 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 460,238 tỷ đồng; khoảng 588 ha rừng (ước tính khoảng 48,814 tỷ đồng). Trên địa bàn xảy ra 01 vụ nổ; làm 01 người chết, thiệt hại về tài sản khoảng 200 triệu đồng. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã trực tiếp tham gia 117 vụ CNCH, hướng dẫn thoát nạn cho hàng trăm người, trực tiếp tổ chức cứu được 74 người và tìm được 70 thi thể nạn nhân.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngay sau khi Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC được ban hành và có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các địa phương phối hợp với Công an tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Luật PCCC đến tận cơ sở.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, những năm qua, tỉnh luôn chú trọng và đầu tư nguồn lực cho công tác PCCC&CNCH. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành ký kết các quy chế phối hợp trong công tác PCCC và CNCH; Chỉ đạo UBND cấp huyện xây dựng và thực tập phương án chữa cháy rừng và nhà cao tầng; Chỉ đạo các đơn vị có liên quan trang bị các dự án đầu tư phương tiện PCCC và CNCH cho hoạt động PCCC với hơn 105,95 tỷ đồng; Xây dựng các nội dung liên quan “Phương án phát triển hạ tầng Phòng cháy chữa cháy tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định.
Qua đây, ông Hoàng Hải Minh cũng mong muốn, trên cơ sở thực tế tại các địa phương, đoàn khảo sát tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại buổi làm việc để tham mưu cấp trên nghiên cứu trong quá trình xây dựng dự thảo Luật PCCC mới, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các vấn đề, thủ tục liên quan đến công tác PCCC.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, nhất là nêu lên những khó khăn, vướng mắc liên quan đến PCCC&CNCH tại tỉnh như: Hệ thống hạ tầng phòng cháy, chữa cháy còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng với sự phát triển kinh tế, xã hội; hệ thống đường giao thông, nhất là tại các khu dân cư hiện hữu, tập trung đông người chưa đảm bảo cho xe chữa cháy hoạt động; lúng túng trong việc thực hiện công tác quản lý cũng như hướng dẫn các cơ sở di tích thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan; Lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh còn thiếu so với quy định, địa bàn chữa cháy rộng nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...
Tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH Nguyễn Minh Khương nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế là một trong những điểm sáng về thực hiện quy định của pháp luật về PCCC&CNCH với nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả được triển khai nhân rộng trong cả nước; đồng thời, ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp, kiến nghị của tỉnh, đây sẽ là cơ sở để đơn vị tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, Chính phủ điều chỉnh Luật PCCC và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCCC&CNCH trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.
Ngọc Minh
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/thua-thien-hue-trien-khai-hieu-qua-cac-quy-dinh-cua-phap-luat-ve-pccc-va-cnch-a19486.html