STNN - Từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trên cả nước phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, mực nước tại nhiều hồ chứa lớn dần cạn kiệt, trong đó một số hồ chứa lớn thiếu hụt từ vài chục đến hàng trăm triệu mét khối nước so với dung tích thiết kế.
Theo dự báo, nếu nắng nóng kéo dài, hàng chục nghìn héc-ta cây trồng các vụ tới có nguy cơ bị hạn hán cao.
Kết thúc vụ lúa đông xuân 2022-2023, cả nước gieo cấy 2,952 triệu héc-ta. Hiện các địa phương phía nam đã kết thúc vụ lúa đông xuân và gieo trồng 1,126 triệu héc-ta lúa hè thu. Các tỉnh miền trung và miền bắc cơ bản kết thúc thu hoạch, chuẩn bị triển khai vụ lúa mùa.
Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến đầu tháng 6, dung tích các hồ chứa thủy lợi tại Bắc Bộ chỉ đạt bình quân 46,7% dung tích thiết kế; vùng Bắc Trung Bộ đạt 52-68% dung tích thiết kế; vùng Tây Nguyên đạt 40%. Dự báo, ở các địa phương Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, nếu nắng nóng kéo dài, sẽ có hơn 2.800 ha cây trồng bị hạn. Còn tại Bắc Trung Bộ, khoảng 9.500 đến 14.000ha lúa có nguy cơ hạn hán. Vùng Nam Trung Bộ, khoảng 3.000 đến 5.000ha thiếu nước tưới…
Để bảo đảm nguồn nước cho sản xuất, các địa phương cần chủ động áp dụng tưới nước tiết kiệm, sử dụng vật liệu che phủ đất hoặc thảm thực vật nhằm giảm thoát hơi nước; xây dựng kế hoạch điều tiết nước theo vùng, liên vùng, cấp nước luân phiên vào các giai đoạn cần thiết với lúa, rau màu, trữ nước tại các hồ, đập trong mùa mưa để sử dụng trong mùa khô, bảo đảm đủ nước tưới sản xuất vụ hè thu 2023.
Các địa phương rà soát kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, có nguy cơ bị hạn sang cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn. Khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cần sản xuất theo định hướng thị trường, liên kết sản xuất bảo đảm tiêu thụ sản phẩm.
Cần căn cứ vào nguồn nước tưới, các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất lúa linh hoạt về thời vụ, sử dụng các giống ngắn ngày, gieo trồng đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng. Chỉ bố trí sản xuất lúa ở những vùng có nước ngọt đủ 3 tháng, tối thiểu là 2,5 tháng nhằm bảo đảm đủ nước ngọt ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, trỗ, chín sữa; không trồng mới cây công nghiệp, cây ăn quả trong thời gian nắng nóng, khô hạn tại các vùng thiếu nước hoặc không chủ động nước tưới.
Người dân cần nạo vét kênh mương, bờ vùng, bờ thửa; gia cố bờ đập, kiểm tra và sửa chữa, tu bổ công trình thủy lợi; quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp; không sản xuất vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi; sử dụng nước tiết kiệm. Các cơ quan chuyên môn cần thường xuyên thông báo tình hình thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh việc cấp nước và sản xuất phù hợp thực tế.
Theo Nhân dân
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/bao-dam-nguon-nuoc-cho-san-xuat-nong-nghiep-a20511.html