STNN – Kể từ ngày 29/6/2023, các sản phẩm nông nghiệp bao gồm gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu tương và gỗ khi nhập vào EU phải tập hợp và kê khai thông tin về nơi sản xuất, diện tích đất sử dụng cho sản xuất, cung cấp văn bản tuyên bố không phá rừng kèm theo hàng hóa trước khi xếp hàng lên tàu.
EU “siết” nhập khẩu
Ngày 9/6/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã đăng công báo Quy định số 2023/1115 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu về đưa vào lưu thông và xuất khẩu một số sản phẩm liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng, thay thế Quy định số 995/2000. Quy định này sẽ có hiệu lực sau 20 ngày kể từ ngày đăng công báo.
Theo quy định này, các sản phẩm nông nghiệp chịu tác động và phải thực hiện nghĩa vụ giải trình trước khi nhập khẩu vào EU bao gồm gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu tương và gỗ. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng này phải tập hợp và kê khai thông tin về nơi sản xuất, diện tích đất sử dụng cho sản xuất, cung cấp văn bản tuyên bố không phá rừng kèm theo hàng hóa trước khi xếp hàng lên tàu.
Thông tin có trong tuyên bố giải trình bao gồm: Tên, địa chỉ của nhà điều hành, trong trường hợp hàng hóa liên quan và các sản phẩm có liên quan tiếp cận hoặc xuất khẩu thì số Đăng ký và Nhận dạng Nhà điều hành Kinh tế (EORI) theo Điều 9 của Quy định (EU) số 952/2013.
Mã hệ thống Hài hòa mô tả dạng văn bản tự do, bao gồm tên thương mại nếu có, tên khoa học đầy đủ và số lượng của sản phẩm có liên quan mà nhà điều hành dự định đưa ra thị trường hoặc xuất khẩu. Đối với các sản phẩm liên quan xuất hoặc nhập vào thị trường, số lượng phải được biểu thị bằng kilôgam khối lượng tịnh, nếu có thể bằng đơn vị bổ sung được nêu trong Phụ lục I của Quy định (EEC) số 2658/87 so với mã Hệ thống hài hòa được chỉ định, trong các trường hợp khác được biểu thị bằng khối lượng tịnh xác định ước tính phần trăm hoặc độ lệch hoặc khối lượng hoặc số lượng mặt hàng. Một đơn vị bổ sung được áp dụng khi nó được xác định nhất quán cho tất cả các phân nhóm có thể có theo mã hệ thống Hài hòa được đề cập trong tuyên bố thẩm định.
Quốc gia sản xuất và vị trí địa lý của tất cả các lô đất nơi sản xuất các mặt hàng có liên quan: Trường hợp sản phẩm có liên quan chứa hoặc đã được tạo ra bằng cách sử dụng hàng hóa được sản xuất trên các mảnh đất khác nhau thì vị trí địa lý của tất cả các mảnh đất sẽ được đưa vào theo Điều 9(1), điểm (d).
Đối với các nhà khai thác đề cập đến tuyên bố thẩm định hiện có theo Điều 4(8) và (9), số tham chiếu của tuyên bố thẩm định đó.
Ngoài ra, cũng theo Quy định số 2023/1115 thì các doanh nghiệp EU chỉ được phép lưu thông trên thị trường các sản phẩm không sản xuất trên đất phá rừng, nếu vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 4% doanh số hàng năm thu được trên toàn EU.
Chi tiết Quy định số 2023/1115 được EU công báo ngày 9/6/2023: https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=uriserv%3AOJ.L_.2023.150.01.0206.01.ENG&toc=OJ%3AL%3A2023%3A150%3ATOC
Cà phê Việt Nam có lợi thế
Quy định 2023/1115 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu được ban hành nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng và làm suy thoái rừng đang rất nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu từ các hoạt động khai thác lâm nghiệp quá mức và lấy đất rừng làm đất trồng trọt. Đây là một trong những tác nhân gây nên hiệu ứng khí nhà kính, làm Trái Đất nóng lên, ô nhiễm môi trường, tàn phá hệ sinh thái và các hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan.
Theo ước tính của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), 420 triệu ha rừng (tương đương diện tích EU) đã bị mất trên toàn thế giới từ năm 1990-2020. EU đánh giá đến năm 2030, khoảng 248.000 ha rừng có thể mất thêm mỗi năm nếu các biện pháp can thiệp không được thực thi hiệu quả.
Tại Việt Nam, với vai trò quản lý rừng, ông Trần Quang Bảo - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đã từng nhận định: Việt Nam là một trong 141 quốc gia đã tham gia Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất. Các thông điệp mạnh mẽ đã được đưa ra nhằm hiện thực hóa các cam kết "ngăn chặn và đảo ngược" tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030. Theo đó, sản xuất và thương mại hàng hóa nông sản cũng cần được định hướng phát triển bền vững theo chuỗi giá trị. Không mở rộng diện tích, nhưng tăng chất lượng và giá trị sản phẩm, cũng như cải thiện sinh kế cộng đồng.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Thương mại (Thương vụ Việt Nam tại Anh) cũng khẳng định chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam về bảo vệ rừng và Chiến lược phát triển nông - lâm nghiệp bền vững. Ngành cà phê Việt Nam đã đạt đến trình độ phát triển ổn định, không mở rộng thêm diện tích canh tác trong những năm gần đây, với một số vùng thậm chí còn thu hẹp diện tích trồng cà phê hiệu quả kinh tế không cao.
Đánh giá về cơ hội đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Việt Nam trước những yêu cầu mới, ông Paul Rooke - Giám đốc điều hành Hiệp hội cà phê Anh (BCA) cho rằng, Việt Nam có lẽ đang ở vị trí thuận lợi khi ngành cà phê đã đạt diện tích trồng ổn định và không mở rộng trồng mới, vì vậy quan ngại về phá rừng không lớn như một số nước đang tăng diện tích trồng cà phê.
Ông Paul Rooke cũng nhận định rằng, với sự chuẩn bị sẵn sàng và đi đầu trong việc giải quyết thách thức này, Việt Nam sẽ là một trong những nhà cung cấp cà phê lớn nhất cho cả thị trường EU và Anh, có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu bởi các nước nhập khẩu sẽ sẵn sàng mua sản phẩm từ quốc gia mà họ không phải lo ngại về việc không thể cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định.
Nhận định về cơ hội xuất khẩu vào EU sau Quy định số 2023/1115 có hiệu lực, ông Thái Như Hiệp - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cũng đồng quan điểm rằng, tác động của quy định này với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào EU là không lớn, bởi thời gian qua nhà nước đã thực hiện nghiêm các chính sách bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các nhà xuất khẩu đi các thị trường quan trọng, cũng có ý thức cao trong việc tuân thủ các mục tiêu phát triển xanh, bền vững.
“Khi còn là dự thảo, có nhiều tranh luận về mốc thời gian xác định nguồn gốc đất hợp pháp là 2014 hay 2017, nhưng cuối cùng EU xác định từ sau ngày 31/12/2020. Tôi cho đây là yếu tố tích cực và tạo điều kiện tốt cho các thành phần tham gia tuân thủ quy định. Điều này có nghĩa là sau thời điểm 31/12/2020, sản phẩm có nguồn gốc từ đất phá rừng sẽ không được nhập khẩu vào EU. Tôi cho rằng, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa vào EU trong thời gian tới" ông Thái Như Hiệp cho biết.
Anh Đức (t/h)
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/nhieu-san-pham-nong-nghiep-phai-co-ho-so-giai-trinh-truoc-khi-nhap-khau-vao-eu-a20520.html