STNN - Cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn” (cuộc vận động) do Hội Nông dân thành phố phát động, được triển khai đến 100% cơ sở Hội Nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sau gần 10 năm, cuộc vận động đã lan tỏa đến hàng triệu nông dân, tạo nên phong trào sản xuất sạch, xây dựng cuộc sống xanh của nông dân Thủ đô.
Thêm nhiều cánh đồng sạch
Đến xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) những ngày này, từ trong các thôn, xóm đến ngoài khu vực đồng ruộng đều sạch đẹp, nông dân hăng say lao động sản xuất. Toàn xã hiện có hơn 200ha đất nông nghiệp trồng rau màu, lúa, cây ăn quả… Trong đó, cây trồng chủ lực là rau màu với gần 100ha, đều được sản xuất an toàn, theo quy trình VietGAP.
Theo Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Hoàng Long (xã Đặng Xá) Nguyễn Văn Sáng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đến địa phương tham quan, lấy mẫu ngẫu nhiên để xét nghiệm cho thấy, chất lượng rau, củ, quả sản xuất ở đây đều bảo đảm chất lượng. Còn bà Kiều Thị Tuyển - hộ sản xuất rau tại thôn Hoàng Long, chia sẻ: “Từ cuộc vận động của Hội Nông dân, chúng tôi nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc sản xuất an toàn, không bán ra thị trường các loại nông sản không bảo đảm chất lượng”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, thời gian qua, toàn huyện đã xây dựng được 67 “Cánh đồng sạch”, 256 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường; vận động 86.800 lượt hội viên ký bản cam kết sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản, thực phẩm an toàn; tổ chức 248 lớp tập huấn cho 27.914 lượt hội viên về vệ sinh, an toàn thực phẩm… Trong thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ có thêm nhiều “Cánh đồng sạch”, “Tuyến đường nông dân kiểu mẫu”…, góp phần làm xanh, sạch, đẹp làng quê.
Tương tự, tại huyện Phú Xuyên, nhờ cuộc vận động đi vào cuộc sống mà việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên) Lê Văn Lâm thông tin về kết quả triển khai cuộc vận động, chỉ riêng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng của xã đã giảm tới 70%. Đối với chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nông dân trên địa bàn đều cam kết và thực hiện nghiêm túc việc không sử dụng chất cấm, thay vào đó là sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn.
Còn nông dân huyện Thanh Oai đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Trưởng thôn Song Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) Kiều Xuân Thủy cho hay, những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã đã hướng tới sản xuất sạch, an toàn. Giờ đây, những cánh đồng lúa sạch ở thôn, tôm, cua xuất hiện trở lại ngày càng nhiều.
Tăng cường hỗ trợ tài chính và kỹ thuật
Phong trào sản xuất sạch và xây dựng cuộc sống xanh đã thúc đẩy nông dân Thủ đô áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tự nhiên, cải thiện chất lượng và tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn; giảm lượng chất thải gây ô nhiễm và giữ gìn sự cân bằng sinh thái trong đất, nước và không khí. Song, để cuộc vận động đạt kết quả tốt hơn nữa, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho nông dân.
Theo ông Vương Văn Chỉnh (thôn Sảo Thượng, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên), để thúc đẩy việc sản xuất nông sản chất lượng cao, điều quan trọng là thành phố và các ngành liên quan cần tăng nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ nông dân. Bởi hiện nay, vốn vay ưu đãi cho các mô hình sản xuất an toàn chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu.
Còn Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Xuyên Phạm Văn Hùng cho rằng, để giúp người nông dân canh tác có trách nhiệm với môi trường, cam kết chỉ bán nông sản an toàn ra thị trường, các cấp, ngành cần có thêm chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng hệ thống hạ tầng nông nghiệp, cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp... Trong khi đó, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn kiến nghị: "Các cấp Hội Nông dân thành phố cần tăng cường đào tạo về sản xuất nông nghiệp an toàn; đồng thời tổ chức các hội thảo, tư vấn nhằm nâng cao nhận thức về quy trình sản xuất an toàn, sử dụng hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường cho hội viên nông dân... Đó là cách làm hiệu quả để cuộc vận động sản xuất sạch, an toàn lan tỏa mạnh mẽ hơn".
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Lê Thị Thanh Nhàn cho biết, chỉ tính riêng 5 năm gần đây, thực hiện cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn”, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức được 283 buổi tuyên truyền cho hơn 36.700 lượt hội viên nông dân về tiêu chuẩn nông nghiệp an toàn, vệ sinh, an toàn thực phẩm; vận động 930.718 hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh đăng ký, cam kết bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Số hộ được cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm là 259.291 hộ…
“Trong thời gian tới, Hội Nông dân thành phố sẽ mở thêm nhiều lớp tập huấn, đào tạo về sản xuất nông nghiệp an toàn cho nông dân; đồng thời, phối hợp cùng ngành Nông nghiệp Hà Nội tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho nông dân, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp Thủ đô”, bà Lê Thị Thanh Nhàn nhấn mạnh.
Theo Báo Hà Nội mới
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/san-xuat-sach-va-xanh-vi-suc-khoe-cong-dong-a20532.html