STNN – Để khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương và thúc đẩy việc phát triển kinh tế xã hội bền vững, UBND tỉnh Tây Ninh đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với một số doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao.
Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023”. Ngoài các lãnh đạo địa phương, diễn đàn còn có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, cùng các lãnh đạo của Bộ NN&PTNT; Tổng Lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TP.HCM, các hiệp hội và các doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, đây là dịp để tỉnh Tây Ninh lắng nghe ý kiến góp ý, tiếp thu lĩnh hội những ý tưởng hay, kinh nghiệm quý trong định hướng phát triển của địa phương, nhất là những giải pháp khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, đây cũng là dịp giới thiệu điểm đến đầu tư hấp dẫn, hình ảnh quê hương và con người Tây Ninh mến khách, thân thiện, nghĩa tình đến gần hơn với bạn bè quốc tế, với các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước.
Tại diễn đàn, UBND tỉnh Tây Ninh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) về việc triển khai công nghệ số hoá nông sản ở thị trường tỉnh Tây Ninh. Theo thoả thuận, VIDA hỗ trợ kết nối với các sở ban ngành trong mảng nông nghiệp để dễ dàng trong việc tiếp cận thông tin nhà sản xuất, nông sản địa phương; EuroCham hỗ trợ kết nối các đối tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tây Ninh cũng ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Tây Ninh với Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn về việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư một số dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Tây Ninh.
Ngoài ra, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam trong việc thực hiện dự án Tổ hợp sản xuất và chế biến thịt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng, công suất 50.000 tấn thịt/năm; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Tây Ninh và Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) trong việc thực hiện dự án Tổ hợp nhà máy sữa và trang trại bò sữa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, bao gồm: nhà máy chế biến sữa công suất 36 triệu lít/năm và trang trại bò sữa số 2 quy mô 8.000 con.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, Tây Ninh có điều kiện tự nhiên đặc thù thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp và một số ngành công nghiệp. Đây là những điều kiện để Tây Ninh phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế, phấn đấu xây dựng tỉnh cơ bản trở thành tỉnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, để phát huy được các thế mạnh này, Tây Ninh phải chú trọng vào các nhóm giải pháp như: phát triển khoa học công nghệ; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển thị trường và các dịch vụ hỗ trợ; tuyên truyền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cải cách thủ tục hành chính.
Theo báo cáo mới đây của Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, trong 5 năm từ năm 2017-2022 tốc độ tăng giá trị sản phẩm GRDP nông, lâm thủy sản đạt bình quân 1,5%/năm; so với năm 2017, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất ngày càng nhiều, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đạt 37% (tăng 16,5%); diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 30% (tăng 17,5%).
Cũng trong giai đoạn này, tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo đạt 20,8% (tăng 18,2%); tỷ trọng giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 13,3% (tăng 2,95%); diện tích rừng được bảo vệ, duy trì ổn định, tỷ lệ che phủ rừng đạt 16,3% (tăng 0,1%), giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng trọt đạt 106 triệu đồng/ha (tăng 12,1 triệu đồng). Tuy nhiên, tỷ trọng giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) vẫn còn thấp chỉ đạt 3,8% (giảm 2,5%).
Bên cạnh đó, giai đoạn này Sở NN&PTNT cũng đã cơ cấu lại nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, chăn nuôi đến lâm nghiệp và thủy sản đều được tập trung thực hiện và chuyển dịch theo định hướng của tỉnh. Trồng trọt đã chuyển đổi trên 40.800 ha sản xuất kém hiệu quả (cao su, mía) sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn (cây ăn quả, rau củ thực phẩm), chăn nuôi phát triển mạnh, nhất là chăn nuôi công nghiệp, trang trại gắn với an toàn sinh học với trên 110 dự án đầu tư đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương với tổng vốn đầu tư 9.600 tỷ đồng.
Công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng thực hiện tốt, rừng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, kéo giảm gần 50% số vụ cháy rừng, 67% số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 16,1% lên 16,3%, bao lấn chiếm sử dụng trái phép đất lâm nghiệp đã được hạn chế, đời sống của các hộ nhận khoán trồng, chăm sóc bảo vệ rừng ngày càng được cải thiện.
Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được thực hiện tốt, thường xuyên theo dõi, dự báo tình hình dịch bệnh và kịp thời hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống hiệu quả. Hạ tầng thủy lợi, nước sạch nông thôn thường xuyên được duy tu, sửa chữa đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, cấp nước công nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thương hiệu, hình ảnh nông sản của tỉnh ngày càng được nâng lên thông qua chương trình OCOP và các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử góp phần mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Đây là những nỗ lực của ngành NN&PTNT sau 5 năm thực hiện Đề án cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Hoàng Quyên
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/tay-ninh-day-manh-phat-trien-he-sinh-thai-nong-nghiep-cong-nghe-cao-a20633.html