LTS - Tạp chí Sinh thái nông nghiệp nhận được đơn của bạn đọc hỏi về việc Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc trì hoãn, kéo dài việc hoàn thuế GTGT tại Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư công nghệ Thủ Đô - gọi tắt là Công ty Thủ Đô (được thành lập từ năm 2008, chuyên kinh doanh xuất khẩu dăm gỗ, do ông Nguyễn Văn Ngân làm Giám đốc và là người đại diện pháp luật, có địa chỉ trụ sở chính tại khu hành chính 11, phường Liên Bảo, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và 3 chi nhánh tại Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa) có đúng pháp luật hay không? Đơn có nội dung như sau:
Tính đến năm 2015, Công ty Thủ Đô đã được Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thuế 5 lần với 5 bộ hồ sơ, tương ứng được đánh số thứ tự 1, 2, 3, 4 và 5 với tổng số tiền được hoàn là 16.772.888.728 đồng. Từ đó đến nay, doanh nghiệp này gửi đến Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc 4 bộ hồ sơ khác đề nghị hoàn thuế GTGT tiếp, theo số thứ tự 6, 7, 8 và 9, với tổng số tiền đề nghị được hoàn trị giá hơn 44 tỷ đồng. Mỗi bộ đề nghị hoàn thuế đều có đầy đủ các chứng từ theo quy định như: Hóa đơn mua hàng kèm chứng từ chuyển tiền qua ngân hàng về việc mua hàng, chứng từ xuất khẩu lượng hàng đó ra nước ngoài, trong đó có hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, tờ khai hải quan xuất khẩu cho từng lô hàng, vận đơn vận tải quốc tế, chứng nhận xuất xứ hàng hóa… Tiếp đến là các chứng từ báo tiền ngoại tệ về từ các ngân hàng nước ngoài theo từng lô xuất khẩu…
Tuy nhiên, kể từ thời điểm tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế lần thứ 6 trở đi đến nay, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc không xem xét cho hoàn thuế ngay bất kỳ bộ hồ sơ nào nữa mà lại tiến hành thanh tra trước hoàn thuế (thanh tra đột xuất) công ty.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế tại Điều 66, tiết d, thời hạn thanh tra thuế không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày. Quá các thời hạn trên, cơ quan thuế này không đưa ra kết quả thanh tra cũng như không cho lập biên bản dừng thanh tra mà lại chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị tiến hành điều tra vì cho rằng Công ty Thủ Đô “có dấu hiệu vi phạm” trong việc hoàn thuế GTGT, đồng thời báo cáo Tổng cục Thuế để cơ quan này chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng và Thanh Hóa - những địa phương mà Công ty Thủ Đô mở chi nhánh hoạt động - thực hiện thanh, kiểm tra, xác định nghĩa vụ kê khai nộp thuế của doanh nghiệp trung gian về việc sử dụng hóa đơn ấn chỉ và cung cấp hàng hóa cho công ty này. Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc cũng gửi công văn đến Tổng cục Thuế (Vụ Hợp tác quốc tế) đề nghị xác minh hàng hóa xuất nhập khẩu của Công ty Thủ Đô. Từ đó, tại các văn bản trả lời Công ty Thủ Đô, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết lý do dừng hoàn thuế GTGT đối với doanh nghiệp này là “Chưa nhận được kết luận điều tra của Bộ Công an” (?!).
Việc Cục Thuế Vĩnh Phúc tạm dừng giải quyết đề nghị hoàn thuế nói trên của Công ty Thủ Đô, tiến hành thanh tra đột xuất qua nhiều năm không có kết quả đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, buộc họ, ngày 20/5/2019, phải gửi đơn khiếu kiện Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đến Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Vĩnh Phúc. Vụ kiện được cơ quan tư pháp này chấp nhận thụ lý theo khoản 1, Điều 30, Luật Tố tụng hành chính.
Căn cứ các tình tiết diễn biến vụ việc, căn cứ các văn bản trả lời sau khi phối hợp xác minh với các cơ quan CSĐT - Công an các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Thanh Hóa, ngày 12/9/2017, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến việc hoàn thuế tại Công ty Thủ Đô. Trước đó, ngày 02/02/2016, tại Văn bản số 345/CSĐT(PC46) gửi Cục thuế Vĩnh Phúc, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khẳng định: “Việc Công ty Thủ Đô 5 lần được hoàn thuế và đề nghị xin hoàn tiếp lần thứ 6 với số tiền trên (6.561.845.006 đồng) là đúng quy định của pháp luật, không có dấu hiệu tội phạm trong việc hoàn thuế GTGT của Công ty Thủ Đô”.
Ngày 13/9/2017, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Thông báo số 1063/TB-VKSND-P3 xác định: “Việc Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc trên là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật”.
Ngày 24/10/2017, Cơ quan CSĐT-Công an tỉnh Vĩnh Phúc có Văn bản số 2136/CSĐT (PC46) gửi đến Công ty Thủ Đô khẳng định: “Chưa phát hiện dấu hiệu tội phạm trong việc mua, bán, xuất khẩu hàng hóa và hoàn thuế GTGT của Công ty Thủ Đô”. Cũng tại đây, Cơ quan này thông báo: “Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã kết thúc điều tra xác minh và ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc trên”. Tại Văn bản số 649/C41-C44, ngày 21/3/2018, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an khẳng định: “Việc Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc trên là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật”. Cơ quan công an các cấp có trách nhiệm liên quan cũng khẳng định: Không tiếp nhận, điều tra, xác minh các bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế lần thứ 6, 7, 8, 9 của Công ty Thủ Đô. Điều này đồng nghĩa với việc căn cứ dừng hoàn thuế mà Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra nói trên khi trả lời Công ty Thủ Đô là thiếu căn cứ.
Từ những căn cứ nêu trên và từ sự thừa nhận trước tòa của Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc về nội dung văn bản của cơ quan thuế nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, trả lời Tổng cục Thuế Việt Nam, xác định: “Các giao dịch mua, bán, xuất nhập khẩu dăm gỗ của Công ty Thủ Đô với các đối tác Trung Quốc là có thật”, tại Bản án sơ thẩm số 12/2021/HC-ST ngày 16/9/2021, TAND tỉnh Vĩnh phúc tuyên án: “Chấp nhận khởi kiện của Công ty Thủ Đô”. Đồng thời, tại đây, TAND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: “Hành vi hành chính của Cục Thuế tỉnh Vĩnh phúc về việc tạm dừng giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với các bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế lần thứ 6, 7, 8 và 9 của Công ty Thủ đô là trái pháp luật”. Tại Bản án số 546/2022/HC-PT ngày 10/11/2022, TAND cấp cao tại Hà Nội đã bác đơn kháng cáo của Cục Thuế Vĩnh Phúc, giữ nguyên quyết định của bản án hành chính sơ thẩm nói trên của TAND tỉnh Vĩnh Phúc.
Tạp chí Sinh thái nông nghiệp kính chuyển nội dung đơn này đến Quý cơ quan Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc xem xét giải quyết theo chức năng, trách nhiệm và quy định của pháp luật.
Liên quan đến những vụ việc tương tự như thế này, ngày 26/5/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 470/CĐ-TTg về việc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Công văn số 5427/BTC-VP gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo Công điện số 470/CĐ-TTg. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 2099/TCT-KK về việc chỉ đạo Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hoàn thuế giá trị gia tăng. Ngày 26/5/2023, Văn phòng Bộ Tài chính có Công văn số 5427/BTC-VP thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẩn trương thực hiện, chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải kịp thời giải quyết các hồ sơ hoàn thuế vẫn còn tình trạng chậm, muộn trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo ngay các đơn vị có hướng dẫn, thực hiện hoàn thuế vẫn còn tình trạng chậm, muộn trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các hồ sơ hoàn thuế đủ điều kiện hoàn thuế theo quy định của pháp luật; Cục trưởng các cục thuế chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý hoàn thuế, về tình trạng chậm, muộn trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng trên địa bàn.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo các cục trưởng Cục Thuế phải tổ chức thực hiện hoàn thuế đúng thẩm quyền, đúng pháp luật quy định, không để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Trong trường hợp như đơn thư bạn đọc nói trên đề cập, khi phát hiện hồ sơ đề nghị hoàn thuế có “dấu hiệu vi phạm pháp luật”, chuyển cơ quan điều tra, phải căn cứ kết luận của cơ quan chức năng để xử lý ngay theo đúng quy định pháp luật tại Điều 34, Điều 35 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính. Trường hợp vướng mắc vượt quá thẩm quyền xử lý của Cục Thuế thì phải báo cáo Tổng cục Thuế để được kịp thời hướng dẫn xử lý.
Trong vụ việc này, Bản án hành chính số 546/2022/HC-PT của TAND cấp cao tại Hà Nội đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký 10/11/2022. Để thực thi pháp luật theo Điều 309 của Luật Tố tụng hành chính, được Quốc hội thông qua năm 2015; Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định, thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án, cũng như thực hiện các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và lãnh đạo các cấp ngành Tài chính, Thuế, tôi nghĩ Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc nên tự nguyện thực thi bản án đã có hiệu lực pháp luật mà tiến hành hoàn thuế cho Công ty Thủ đô. Nếu không, chắc chắn cơ quan này sẽ bị Tòa án, Cơ quan Thi hành án tỉnh Vĩnh Phúc thực thi pháp luật, cưỡng chế buộc thi hành án hành chính theo Điều 311 Luật Tố tụng hành chính năm 2015” (ý kiến của Luật sư Phạm Viết Luân, Đoàn Luật sư Hà Nội).
Việc một số cán bộ thuế tỉnh Vĩnh Phúc cố tình trì hoãn, không thực hiện theo bản án, kéo dài thời gian không thực hiện thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, gây khó khăn và làm thiệt hại lợi ích cho doanh nghiệp là có căn cứ, việc cố tình trì hoãn không thực hiện bản án có hiệu lực của TAND có dấu hiệu vi phạm pháp luật” (trích Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ngày 14/4/2016 gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc). |
Trần Ngọc Kha