STNN - Nhằm ngăn chặn dịch bệnh động vật lây lan, nhất là dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Văn bản số 1239/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, bảo đảm vệ sinh thú y.
Tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến
Tại văn bản trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục thực hiện nghiêm quy định Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 về việc kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp, Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2021, Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2023, Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 1211/KH-UBND ngày 12/7/2021, Công văn số 133/UBND-KT ngày 07/02/2023 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố, thị xã: Rà soát, bố trí quỹ đất xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn. Kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng dây chuyền giết mổ động vật treo, hiện đại. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2023 để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với từng địa phương. Tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến để bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không sử dụng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Thực hiện quy trình kiểm soát giết mổ theo quy định tại Thông tư số 09/1016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016, Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT ngày 14/9/2022 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn để đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Chỉ đạo các Phòng, ban chức năng phối hợp với UBND cấp xã, các tổ chức đoàn thể để vận động và có giải pháp đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung; kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho nhân viên thú y về công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong công tác kiểm dịch động vật, quản lý kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2023-2030 theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhà nước, pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, người kinh doanh, giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong công tác kiểm dịch động vật, quản lý kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; xây dựng Hệ thống thông tin kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, và an toàn thực phẩm qua việc tạo cơ sở dữ liệu các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật và truy xuất nguồn gốc gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ tại địa phương.
Thực hiện công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bản cấp tỉnh theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có hồ sơ kiểm dịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ động vật; xử lý nghiêm đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung không có Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y/an toàn thực phẩm và cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và cam kết theo quy định.
Chi tiết văn bản xem tại đây.
Công Việt