STNN - Trong quý II và 6 tháng đầu năm 2023, do thời tiết tương đối thuận lợi, sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát, chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định.
Sản lượng lúa đông xuân cả nước năm nay tăng so với vụ đông xuân năm trước
Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm 2023 đạt 2.952,5 nghìn ha, bằng 98,7% vụ đông xuân năm trước. Diện tích lúa đông xuân năm nay giảm 39,8 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước chủ yếu do chuyển sang đất phi nông nghiệp phục vụ quá trình đô thị hóa, chuyển sang trồng cây lâu năm hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Do thời tiết thuận lợi cùng với mô hình trồng lúa ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được nhân rộng nên năng suất lúa đông xuân năm nay đạt khá. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân của cả nước ước đạt 68,4 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 64,4 tạ/ha, tăng 2,2 tạ/ha; các địa phương phía Nam đạt 70,8 tạ/ha, tăng 1,5 tạ/ha (vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 72,2 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha).
Một số địa phương có năng suất lúa đông xuân tăng so với vụ đông xuân năm 2022 gồm: Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Phú Yên, Long An, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu.
Mặc dù diện tích gieo cấy giảm nhưng năng suất tăng cao nên sản lượng lúa đông xuân cả nước năm nay tăng so với vụ đông xuân năm trước, ước đạt 20,2 triệu tấn, tăng 231,9 nghìn tấn. Trong đó, miền Bắc đạt 6,9 triệu tấn, tăng 165,8 nghìn tấn; miền Nam đạt 13,3 triệu tấn, tăng 66,1 nghìn tấn, (riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 10,68 triệu tấn, tăng 8,1 nghìn tấn).
Một số địa phương có sản lượng lúa đông xuân tăng so với vụ đông xuân năm trước là: Kiên Giang, Long An, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Vĩnh Phúc.
Cả nước đã xuống giống được 1.788,9 nghìn ha lúa hè thu
Cùng với việc thu hoạch vụ đông xuân, tính đến trung tuần tháng 6/2023, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1.788,9 nghìn ha lúa hè thu, bằng 98,7% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.418,2 nghìn ha, bằng 97,9%.
Lúa hè thu các địa phương phía Bắc đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến chắc xanh; lúa hè thu chính vụ ở các địa phương phía Nam vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đến trổ chín, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, trong đó có 200,6 nghìn ha diện tích lúa hè thu sớm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cho thu hoạch, chiếm 14,1% diện tích xuống giống.
Do đặc điểm lúa hè thu sinh trưởng trong điều kiện nắng nóng, nền nhiệt cao, có thể thiếu nước ở đầu vụ nhưng thu hoạch vào thời điểm có mưa đầu mùa, ngành Nông nghiệp cần theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, có biện pháp xử lý kịp thời để lúa hè thu cho kết quả tốt.
Diện tích gieo trồng một số cây hằng năm bị thu hẹp, diện tích cây lâu năm tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022, chăn nuôi phát triển ổn định
Cùng với việc gieo cấy lúa, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Diện tích trồng rau đậu các loại tăng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Tuy nhiên, diện tích khoai lang và đậu tương, lạc tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao.
Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước tính đạt 3.735,8 nghìn ha, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm cây công nghiệp đạt 2.196,7 nghìn ha, tăng 0,3%; nhóm cây ăn quả đạt 1.218,8 nghìn ha, tăng 2,7% chủ yếu ở nhóm cây có múi và nhóm cây có giá trị cao, thị trường tiêu thụ ổn định như xoài, sầu riêng, mít, chuối. Trong quý II/2023, sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm như sau: Chè búp đạt 350,8 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; cao su đạt 282,8 nghìn tấn, tăng 2%; điều đạt 121,9 nghìn tấn, tăng 9,6%; hồ tiêu đạt 103,9 nghìn tấn, tăng 2,1%. Sản lượng một số cây ăn quả tăng so với cùng kỳ năm trước: Xoài đạt 431,6 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; cam đạt 204 nghìn tấn, tăng 3,1%; sầu riêng đạt 259,2 nghìn tấn, tăng 14,7%; vải đạt 178,3 nghìn tấn, tăng 4,9%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm tăng so với cùng kỳ năm trước: Chè búp đạt 523,2 nghìn tấn, tăng 1,7%; cao su đạt 413,5 nghìn tấn, tăng 2,3%; điều đạt 353,2 nghìn tấn, tăng 9,7%; hồ tiêu đạt 250,1 nghìn tấn, tăng 1,7%. Sản lượng một số cây ăn quả: Xoài đạt 616 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước; cam đạt 514,4 nghìn tấn, tăng 4,8%; sầu riêng đạt 367,6 nghìn tấn, tăng 18,3%.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong 6 tháng đầu năm 2023 phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn cần theo dõi sát tình hình thị trường, các cơ quan chức năng cung cấp thông tin kịp thời, kiểm soát tình hình chăn nuôi tại địa phương, không nên tăng đàn ồ ạt dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung, giá bán giảm sâu gây thua lỗ cho người chăn nuôi.
Tính đến ngày 22/6/2023, cả nước không còn dịch tai xanh và dịch lở mồm long móng; dịch cúm gia cầm còn ở Quảng Ngãi; dịch viêm da nổi cục còn ở Thái Nguyên, Quảng Ngãi và dịch tả lợn châu Phi còn ở 11 địa phương chưa qua 21 ngày.
Bảo Khánh