STNN – Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được các địa phương thuộc tỉnh Lâm Đồng chủ động thực hiện với tổng diện tích 7.543,5ha. Đồng thời, kết quả sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục được phát triển mạnh trên nhiều đối tượng cây trồng.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng (Sở NN&PTNT) đã có Báo cáo số 252/BC-SNN về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023 của ngành NN&PTNT. Theo đó, ngành NN&PTNT của tỉnh Lâm Đồng hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra, nhất là ở lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cơ bản thuận lợi, diện tích gieo trồng, năng suất của hầu hết các nông sản chủ lực đều tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vật tư nông nghiệp nhập khẩu vẫn còn cao làm ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của người dân. Các hoạt động sản xuất, chế biến, lưu thông nông sản tiếp tục được duy trì và mở rộng. Công tác phòng chống dịch bệnh được tăng cường, chủ động phòng tránh, kịp thời phát hiện và xử lý các ổ bệnh không để lây lan bùng phát thành dịch.
Cụ thể, ở lĩnh vực trồng trọt, tiến độ sản xuất đạt và vượt kế hoạch đề ra, các diện tích sản xuất cơ bản được cấp đủ nước cho sinh trưởng và phát triển. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được các địa phương chủ động thực hiện với 7.543,5ha được trồng mới, chuyển đổi. Trong đó, tái canh cải tạo cà phê 1.821ha; tái canh cải tạo và chuyển đổi diện tích điều 985,3ha; chuyển đổi cây trồng trên đất lúa 1.511ha và chuyển đổi cây trồng khác 3.225,1ha.
Nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục được phát triểm mạnh trên nhiều đối tượng cây trồng. Ước tính 6 tháng đầu năm đạt 65.821ha, tăng 3,4% so với cùng kỳ và tăng 513ha so với cuối năm 2022. Trong đó có 25.830ha rau; 3.166ha hoa; 3.559ha chè; 20.404ha cà phê; 7.250ha cây ăn quả; 5.045ha lúa; 167ha cây dược liệu; 20ha nấm; 380ha vườn ươm. Trong tổng số diện tích này, có trên 500ha áp dụng công nghệ số trong quản lý chăm sóc cây trồng.
Tổng diện tích gieo trồng trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 357.615ha, đạt 90,2% kế hoạch và tăng 3,8% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích trồng cây hàng năm đạt 85.874,3ha và cây lâu năm đạt 272.741,6ha (đạt 101,3% kế hoạch và tăng 2,5% so với cùng kỳ).
Tình hình dịch bệnh trên cây trồng cơ bản ổn định, không phát sinh dịch hại lớn. Tuy nhiên, do thời tiết có mưa trái mùa đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng dịch bệnh trên cây dài ngày phát triển mạnh hơn cùng kỳ, chủ yếu là bọ xít muỗi trên cà phê, điều; tuyến trùng dâu tằm. Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương điều tra phát hiện và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tiếp tục gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao, giá bán sản phẩm lợn, gà duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, về cơ bản vẫn duy trì được tương đối ổn định khi đàn gia súc 564.385 con (đạt 92,7% kế hoạch và tăng 4% so với cùng kỳ, đàn gia cầm đạt 81,9% kế hoạch đặt ra.
Trong 6 tháng đầu năm, dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản đã được kiểm soát, dịch bệnh tả lợn Châu Phi có xảy ra vào thời điểm đầu tháng 1/2023. Thế nhưng Sở NN&PTNT đã phát hiện, xử lý kịp thời và không để lây lan, gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.
Bên cạnh đó, trong các tuần đầu tháng 5/2023, Sở NN&PTNT đã hoàn thành các thủ tục mua sắm và phân bổ 504.922 liều vắc xin và 5.350 lít hóa chất để hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng đợt 1/2023 theo kế hoạch.
Về trồng dâu nuôi tằm, mặc dù giá kén thời gian gần đây có giảm so với thời điểm đầu năm 2023, nhưng nghề trồng dâu nuôi tằm vẫn phát triển tốt. Ước tính 6 tháng đầu năm sản lượng kén được 6.375 tấn, đạt 43,1% so với kế hoạch và tăng 1,2% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, ở lĩnh thủy sản, diện tích nuôi trồng có chiều hướng giảm do nguồn nước không ổn định. Xu hướng hiện nay là không mở rộng các diện tích ao nuôi mà chủ yếu tận dụng các mặt nước sẵn có để kết hợp nuôi trồng thủy sản. Diện tích nuôi trồng ước đạt 2.342ha, đạt 98% kế hoạch và giảm 1,3% so với cùng kỳ.
Từ những kết quả đạt được này, để hoàn thành những mục tiêu đề ra trong năm 2023, trong 6 tháng cuối năm ngành NN&PTNT sẽ tập trung triển khai các giải pháp cơ cấu lại ngành để đổi mới mô hình tăng trưởng hướng đến toàn diện bền vững và hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu qảu và sức cạnh tranh.
Đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hữu cơ – tuần hoàn nhằm nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng tiêu chuẩn thị trường. Thúc đẩy sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.
Điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp nhu cầu thị trường và điều kiện sản xuất của từng địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích có giá trị sản xuất dưới 50 triệu đồng/ha. Phấn đấu thực hiện vượt mức các chỉ tiêu của ngành năm 2023.
Tiếp tục củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí để hỗ trợ phát triển các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ. Hỗ trợ các địa phương, chủ thể hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm đề nghị công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.
Anh Đức
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/lam-dong-nong-nghiep-cong-nghe-cao-phat-trien-manh-trong-6-thang-dau-nam-2023-a21170.html