Rối loạn tiêu hóa 1 năm không đi khám, người đàn ông giật mình nhận kết quả ung thư trực tràng

STNN - Sau 1 năm liên tục rối loạn tiêu hóa, đau bụng âm ỉ vùng hạ vị, người đàn ông 46 tuổi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC và bất ngờ bị ung thư trực tràng “gọi tên”. Từ đó, chuyên gia đưa ra cảnh báo đến tất cả người dân, tuyệt đối không chủ quan với các triệu chứng bất thường của cơ thể và nên hình thành thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát ung thư sớm.

Hình minh họa - Nguồn: MEDLATEC.

Ngã ngửa phát hiện ung thư trực tràng âm thầm tiến triển

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam D.M.D (46 tuổi, ở Bắc Ninh) vào viện trong tình trạng rối loạn tiêu hóa, đại tiện đến 6-7 lần/ ngày, phân lỏng, kèm theo đau bụng âm ỉ vùng hạ vị.

Anh D. cho biết, tình trạng này đã kéo dài 1 năm nay, nhưng vì ngại đến bệnh viện, anh liên tục trì hoãn. Đến nay, gia đình lo lắng, thúc giục, anh mới chịu đi khám.

Tại viện, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết và nội soi thực quản - dạ dày - đại trực tràng. Kết quả nội soi đại trực tràng phát hiện có polyp đại tràng, đồng thời, cách rìa hậu môn khoảng 7cm có tổn thương sùi lớn, bề mặt nham nhở, mất cấu trúc niêm mạc và mạch máu.

Nhận thấy bất thường, bác sĩ lập tức tiến hành sinh thiết 3 mảnh làm mô bệnh học, kết quả cho thấy có tổn thương ung thư ác tính. Bệnh nhân tiếp tục được chụp cộng hưởng từ (MRI) đánh giá giai đoạn bệnh và đi đến kết luận mắc ung thư trực tràng giai đoạn I.

Cầm tờ giấy kết quả trong sự bàng hoàng, nam bệnh nhân chia sẻ: “Tôi quá ân hận vì không nghe lời người thân đi khám sớm hơn, thật không ngờ bệnh tình lại tiến triển nhanh và trầm trọng đến vậy. Nhưng thôi vẫn còn may mắn vì bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, chưa bị di căn, bác sĩ giải thích nếu được phẫu thuật thành công, tôi vẫn còn hy vọng sống”.

Những dấu hiệu tuyệt đối không chủ quan

BS. Phạm Thị Quế - Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết: Trực tràng là đoạn cuối cùng của ruột già dẫn tới hậu môn. Đây là phần quan trọng của hệ thống tiêu hóa, chất thải cơ thể sẽ đi qua trực tràng để ra ngoài. Ung thư trực tràng xảy ra khi các tế bào tại đây phát triển ngoài tầm kiểm soát và có thể di căn sang các bộ phận khác.

Tại Hội nghị phẫu thuật ung thư đại trực tràng khu vực Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức ở Việt Nam năm 2022, các chuyên gia đã đưa ra con số thống kê về bệnh lý này. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mắc mới, 80% các ca bệnh được chẩn đoán sau 55 tuổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh trước độ tuổi này ngày càng gia tăng và bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn, tốn kém.

Từ đó, bác sĩ chỉ ra những biểu hiện sớm của ung thư trực tràng có thể đã xuất hiện âm ỉ từ lâu nhưng người dân thường bỏ qua, cụ thể như sau:

• Đột nhiên thay đổi thói quen đi tiêu, bị táo bón/tiêu chảy;

• Đau bụng vùng chậu/bụng dưới;

• Phát hiện phân có máu/dính chất nhầy/biến đổi khuôn phân;

• Cơ thể suy nhược và mệt mỏi;

• Sụt cân không rõ nguyên nhân.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề sức khỏe khác cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự, chẳng hạn như: bệnh trĩ, viêm ruột, hội chứng ruột kích thích… Bởi vậy, bác sĩ khuyến cáo nếu gặp các biểu hiện bất thường trên, người dân nên đến cơ sở uy tín thăm khám để được bác sĩ chuyên khoa đánh giá chính xác nhất tình trạng cơ thể.

Nội soi đại trực tràng, sàng lọc ung thư sớm - chìa khóa thoát “cửa tử”

Bác sĩ chỉ ra rằng, ung thư trực tràng được phát hiện sớm ngay từ khi chưa có triệu chứng có thể điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn. Khoảng 90% những người mắc bệnh giai đoạn I đều đáp ứng điều trị tốt và có tiên lượng sống ít nhất 5 năm kể từ khi phát hiện ung thư.

Trong các phương pháp sàng lọc, chẩn đoán sớm ung thư trực tràng, nội soi là chỉ định đầu tay của các bác sĩ. Qua nội soi, bác sĩ sẽ đánh giá được toàn bộ tình trạng đại trực tràng.

Trong các phương pháp sàng lọc, chẩn đoán sớm ung thư trực tràng, nội soi là chỉ định đầu tay của các bác sĩ. Qua nội soi, bác sĩ sẽ đánh giá được toàn bộ tình trạng đại trực tràng, phát hiện các polyp, tổn thương bất thường, hoặc ung thư nếu có.

Với những ý nghĩa quan trọng đó, bác sĩ đưa ra khuyến cáo các đối tượng sau nên nội soi đại trực tràng định kỳ để sàng lọc ung thư:

• Tất cả người dân trên 40 tuổi;

• Người xuất hiện các triệu chứng cảnh báo bệnh;

• Có tiền sử bị viêm loét đại tràng;

• Gia đình có người thân từng mắc bệnh.

Sau khi nội soi, nếu phát hiện các bất thường nghi ngờ ác tính, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết xác định rõ bản chất tổn thương và chụp CT/MRI xác định tổn thương đã xâm lấn sang các cấu trúc lân cận hay chưa?

NK

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/roi-loan-tieu-hoa-1-nam-khong-di-kham-nguoi-dan-ong-giat-minh-nhan-ket-qua-ung-thu-truc-trang-a21804.html