Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai

Hiện nay, trên khu vực các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hội tụ gió lên đến mực 5.000 m dần được thiết lập nên từ đêm 13/7 đến đêm 15/7, khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30 mm/24 giờ, có nơi trên 50 mm/24 giờ (thời gian mưa tập trung vào đêm). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 8-11 độ Vĩ Bắc có xu hướng nâng trục dần lên phía Bắc nên từ đêm 13/7 đến ngày 19/7, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-50 mm/24 giờ, có nơi trên 80 mm/24 giờ (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét cấp 1.
Hiện nay, trên khu vực các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa trong 3 giờ vừa qua (từ 15 - 18 giờ ngày 13/7) tại một số nơi như: Hướng Lập 57,8 mm (Quảng Trị); Phước Năng 55 mm (Quảng Nam); Biển Hồ 81,2 mm, Thủy Điện Ia Hrung 58,8 mm (Gia Lai); Thôn 9 - Ia Tơi 50,4 mm (Kon Tum)… Từ 21 - 24 giờ ngày 13/7, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra trên khu vực các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai.
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ cao tại huyện: Hướng Hóa (Quảng Trị) Phước Sơn (Quảng Nam); Ia H Drai (Kon Tum); Ia Grai, thành phố Pleiku (Gia Lai).
Nguy cơ sạt lở đất và ngập úng cục bộ trung bình tại huyện: Đak Rông (Quảng Trị); Nam Giang, Tây Giang (Quảng Nam); Sa Thầy, Kon Plông, Đắk Glei, Tu Mơ Rông, Đắk Tô (Kon Tum); Mang Yang, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, Đắk Đoa, Kbang, Ia Pa (Gia Lai). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Để phòng, chống nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, các chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo chính quyền địa phương cần quyết liệt di dời người dân ra khỏi các vị trí có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao; thiết lập các mạng lưới quan trắc mưa, lũ quét, sạt lở, dự báo, cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất, xây dựng lắp đặt các hệ thống cảnh báo sớm.
Đối với các đơn vị, cá nhân, gia đình nằm trong vùng nguy cơ cao, thì ứng phó lũ quét, sạt lở đất thường theo phương châm “phòng hơn chống”. Trước hết, cần nhận biết nguy cơ, tìm hiểu đánh giá mức độ nguy hiểm nơi sinh sống. Đặc biệt, không nên xây dựng nhà sát vách sườn núi dốc, bên cạnh hoặc gần đường dẫn nước như suối, lạch nước.
Mặt khác, cần lắng nghe, quan sát phát hiện các dấu hiệu cảnh quan liên quan trượt lở đất, đường thoát lũ; lập kế hoạch đến từng cá nhân, gia đình để phòng, chống, chuẩn bị các trường hợp có lũ quét và sạt lở... Xác định các vị trí xung yếu trong nhà và khu vực chung quanh để tăng cường, gia cố; cảnh giác lắng nghe bất kỳ âm thanh bất thường nào để có thể nhận biết sự di chuyển của dòng bùn đá, cảnh giác trong thời gian mưa lớn, khi xảy ra sự cố giữ bình tĩnh, thực hiện các phương án di dời đã chuẩn bị trước; che chắn tìm cách thoát nhanh nhất đến địa điểm an toàn.

(Nguồn: TTXVN)

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/nguy-co-lu-quet-sat-lo-dat-tai-quang-tri-quang-nam-kon-tum-va-gia-lai-a2188.html