STNN - Cuối tháng 7 /2023, Bộ Y tế vừa phê duyệt Đề án Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền (YDCT) phục vụ khách du lịch đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án).
Theo đó, 5 dòng cung ứng dịch vụ, sản phẩm YDCT phục vụ khách du lịch sẽ được triển khai. Đó là:
Ngoài ra, tại Đề án này, Bộ Y tế cũng chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình nghỉ dưỡng kết hợp với sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng YDCT, tăng cường sử dụng các dịch vụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe bằng YDCT tại khu du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, khu nghỉ dưỡng, khách sạn có tiềm năng... Xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng cao tham gia vào hệ thống cung ứng các dịch vụ, sản phẩm YDCT phục vụ khách du lịch. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và cung ứng dịch vụ, sản phẩm YDCT phục vụ khách du lịch.
Những nội dung nói trên xuất phát từ quan điểm: Bộ Y tế mong muốn phát huy giá trị của YDCT trong việc cung ứng các loại hình dịch vụ, sản phẩm phục vụ khách du lịch quốc tế và nội địa; đưa YDCT trở thành một dòng sản phẩm du lịch chủ đạo, có chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho du lịch và y tế.
Để thực hiện được các nội dung công việc nói trên, đề án cũng chỉ rõ lộ trình đến năm 2025, hình thành chuỗi mô hình điểm về du lịch chăm sóc sức khỏe bằng YDCT tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng du lịch với 20 đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi sức khỏe. Đến năm 2030, hoàn thành chuỗi cung ứng về du lịch chăm sóc sức khỏe bằng YDCT với trên 30 đơn vị tham gia cung ứng.
Trong đó, Bộ Y tế chỉ đạo xây dựng mô hình về du lịch khám phá YDCT và văn hóa bản địa tại Tả Phìn - Lào Cai (năm 2025), chuỗi cung cấp dịch vụ du lịch khám phá YDCT và văn hóa bản địa tại 8 vùng sinh thái (năm 2030). Xây dựng dòng du lịch học thuật YDCT mà tại đây, triển khai ban hành các tài liệu hướng dẫn về cách tự sử dụng các phương pháp YDCT trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe; xây dựng, chuẩn hóa, hệ thống và ban hành tài liệu hướng dẫn về cách sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền trong ẩm thực Việt, xây dựng cơ sở dữ liệu về cách sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền trong ẩm thực Việt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng và tra cứu.
Về phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho đề án, Bộ Y tế cũng xác định: Từ nay đến năm 2025, 100% đội ngũ nhân lực tại các cơ sở tham gia thí điểm được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, 30% hướng dẫn viên du lịch được cung cấp kiến thức về YDCT tại các cơ sở đào tạo theo quy định, 50% kỹ thuật viên tại các cơ sở cung cấp dịch vụ xông hơi, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu bằng YDCT được cấp chứng chỉ đào tạo về xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu.
Đối với các cơ sở tham gia vào dòng cung cấp dịch vụ, sản phẩm YDCT (trừ các cơ sở cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh) có tối thiểu 1 nhân lực có tiêu chuẩn ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định tại Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017, sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL ngày 25/11/2019 hoặc các chứng chỉ, bằng cấp tương đương theo quy định.
Đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh bằng YDCT đảm bảo đủ nhân lực có trình độ ngoại ngữ phục vụ công tác khám, chữa bệnh theo quy định hiện hành về cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Y tế giao Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án. Cục này có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp triển khai thực hiện Đề án; giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo đạt hiệu quả và tiến độ đề ra.
Ngọc Kha
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/phat-trien-cac-loai-hinh-dich-vu-san-pham-y-duoc-co-truyen-phuc-vu-khach-du-lich-a21968.html