STNN – Phát hiện Công ty CJ Vina Agri vẫn thả heo tại trang trại chưa đủ điều kiện, UBND huyện Thống Nhất đã đề nghị doanh nghiệp này và Công ty C.P Việt Nam, BAF Việt Nam, Công ty Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty Sunjin Vina không được thả lứa heo mới tại các trang trại, cơ sở chưa đủ điều kiện chăn nuôi.
Ngày 24/7/2023, Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) Nguyễn Đình Cương đã ký Văn bản số 5603/UBND-TNMT về việc đề nghị không thả heo đối với các cơ sở chăn nuôi khi chưa được UBND các xã kiểm tra và có văn bản xác nhận.
Văn bản này của UBND huyện Thống Nhất được gửi đến 5 doanh nghiệp nuôi thả heo trên địa bàn, gồm: Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (Công ty C.P Việt Nam), Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Công ty Japfa Comfeed Việt Nam), Công ty TNHH CJ Vina Agri – Chi nhánh Đồng Nai (Công ty CJ Vina Agri), Công ty TNHH Sunjin Vina (Công ty Sunjin Vina) và Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF Việt Nam).
Nội dung của văn bản thể hiện, ngày 29/6/2023, UBND huyện Thống Nhất có Thông báo số 535/TB-UBND về kết luận của Chủ tịch UBND huyện tại buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân các xã Hưng Lộc, Lộ 25, Bàu Hàm 2 về công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Trong đó, đề nghị các công ty chăn nuôi gia công trên địa bàn huyện chỉ thực hiện hợp đồng chăn nuôi với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn đủ điều kiện chăn nuôi, có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo về môi trường và được cơ quan chức năng cấp phép môi trường.
Bên cạnh đó, văn bản này của UBND huyện Thống Nhất cũng thể hiện: “Tuy nhiên, qua kiểm tra và theo dõi, Công ty CJ Vina Agri vẫn tiến hành thả heo cho các trang trại của ông Lê Văn Hiếu (xã Lộ 25), ông Vi Thuận Hòa (xã Hưng Lộc) khi chưa được UBND các xã kiểm tra và có văn bản xác nhận bằng văn bản về đủ điều kiện chăn nuôi”.
“Do đó, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các Công ty chăn nuôi gia công trên địa bàn huyện: Công ty C.P Việt Nam, Công ty Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty CJ Vina Agri, Công ty Sunjin Vina, BAF Việt Nam chỉ được thực hiện hợp đồng chăn nuôi hết lứa heo đang thả”.
“Đối với các cơ sở chăn nuôi muốn được tiếp tục thực hiện hợp đồng, thả lứa heo mới thì phải có văn bản xác nhận của chính quyền địa phương về việc đủ điều kiện chăn nuôi và đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy định” - văn bản nêu rõ.
Như vậy, qua nội dung tại văn bản này của UBND huyện Thống Nhất có thể thấy, dù trước đó huyện Thống Nhất đã có thông báo đề nghị không được thả heo tại các trang trại, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn nhưng Công ty CJ Vina Agri vẫn “bất chấp” để tiến hành thả heo cho các trang trại tại xã Lộ 25 và xã Hưng Lộc.
Theo tìm hiểu, PV được biết, thời gian vừa qua, người dân tại một số xã trên địa bàn huyện Thống Nhất đã liên tục phản ánh về vấn đề ô nhiễm môi trường tại các trang trại nuôi heo. Mùi hôi xuất phát từ những trang trại nuôi heo ở đây nồng nặc, nhất là vào ban đêm, mùi hôi có thể bay xa tới bán kính 2-3km.
Liên quan đến công tác kiểm tra xử lý chăn nuôi gây ô nhiễm, trong tháng 3/2023 và tháng 4/2023, huyện Thống Nhất đã liên tiếp tiến hành kiểm tra và xử phạt hàng loạt trang trại, cơ sở chăn nuôi chưa đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Ngoài phạt tiền, các trang trại, cơ sở này còn bị yêu cầu ngưng chăn nuôi để xử lý các vấn đề về môi trường.
Tiếp đó, trong tháng 5/2023, đoàn kiểm tra huyện Thống Nhất đã phát hiện thêm nhiều cơ sở chăn nuôi heo chưa đảm các quy định về bảo vệ môi trường. Điển hình là cơ sở nuôi heo của ông Nguyễn Văn Đức và bà Trịnh Thị Thủy (ấp 3, xã Lộ 25). Dù chăn nuôi với số lượng đàn heo rất lớn nhưng chủ của 2 cơ sở này vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), hoặc chưa xuất trình được giấy phép môi trường theo quy định.
Theo thống kê, tính đến cuối tháng 6/2023, huyện Thống Nhất có hơn 1.200 cơ sở chăn nuôi, trong đó hơn 400 trang trại. Các trang trại, cơ sở này phần lớn chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp Công ty C.P Việt Nam, Công ty Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty CJ Vina Agri, Công ty Sunjin Vina và BAF Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có 84 trang trại có giấy phép/báo cáo đánh giá tác động môi trường, hơn 330 trang trại và hơn 600 cơ sở chăn nuôi nhỏ không có giấy phép. Tức chỉ khoảng 20% trang trại có giấy phép môi trường.
Ngoài ra, theo một báo cáo mới đây của UBND huyện Thống Nhất, chỉ tính riêng trên địa bàn xã Lộ 25 và xã Hưng Lộc đã có 98 trang trại chăn nuôi gia công cho 4 công ty gồm: Công ty C.P Việt Nam, Công ty Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty CJ Vina Agri và Công ty Sunjin Vina. Tuy nhiên, mới có 75 trang trại được cấp giấy phép môi trường. Như vậy, số lượng các trang trại, cơ sở chăn nuôi tại các xã khác trên địa bàn huyện Thống Nhất chỉ là con số rất nhỏ.
Có thể nói, việc phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại đã phần nào giảm được rủi ro về dịch bệnh và môi trường, tạo điều kiện hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi - giết mổ - phân phối. Thế nhưng, vì chưa có giấy phép môi trường, chăn nuôi vượt quy mô xin phép dẫn đến hệ thống xử lý nước thải, phân heo, mùi hôi chưa đảm bảo gây bức xúc với người dân.
Vậy thì, liệu Công ty C.P Việt Nam, Công ty Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty Sunjin Vina và BAF Việt Nam sẽ hợp tác với chính quyền địa phương để có biện pháp nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các trang trại, cơ sở chăn nuôi này hay không? Hay vẫn sẽ “bất chấp” để tiến hành thực hiện việc thả heo cho các trang trại như trường hợp của Công ty CJ Vina Agri mà UBND huyện Thống Nhất đã nêu trong văn bản?
Anh Đức