Dong riềng là một trong những cây trồng đã trở thành cây sản xuất hàng hóa ở các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc. Cây dong riềng có khả năng thích ứng rộng, trồng được trên nhiều loại đất (kể cả các vùng đất nghèo dinh dưỡng), có khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất thuận đặc biệt là chịu hạn. Tuy nhiên tiềm năng và giá trị của cây trồng này tại các tỉnh còn thấp do người dân thường trồng giống cũ, chủ yếu trồng trên đất dốc, bón rất ít phân dẫn đến năng suất và tỷ lệ tinh bột thấp; phương thức canh tác lạc hậu; sản xuất dong riềng vẫn chưa thực sự được quan tâm đầu tư nghiên cứu cũng như áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất.
Để giải quyết được vấn đề đặt ra trong sản xuất dong riềng hiện nay việc bổ sung giống dong riềng mới, đặc biệt giống dong diềng mới DR1 có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất kết hợp áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác để bảo vệ đất chống xói mòn, giảm sâu bệnh hại nhằm nâng cao năng suất cây trồng và tăng thu nhập của người dân là rất cần thiết.
Với mục tiêu: xây dựng được mô hình trồng dong riềng giống mới áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tổng hợp, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; mô hình trồng giống mới kết hợp hướng dẫn nông dân lựa chọn củ dong riềng đạt tiêu chuẩn làm giống cho vụ tiếp theo, Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên đã triển khai thực hiện dự án Khuyến nông Trung ương: “Xây dựng mô hình trồng dong riềng giống mới và thâm canh tổng hợp tại miền núi phía Bắc” do PGS.TS Nguyễn Viết Hưng là chủ nhiệm.
Sau 3 năm triển khai (từ 2017 đến năm 2019) thực hiện, dự án đã triển khai thực hiện thành công 15 mô hình với tổng quy mô là 300 ha với tổng số hộ tham gia mô hình là 904 hộ nông dân. Trong đó, Bắc Kạn 75 ha, Cao Bằng 50 ha, Yên Bái 60 ha, Sơn La 65 ha, Hòa Bình 50 ha cùng sự tham gia của 33 lượt cán bộ chỉ đạo kỹ thuật. Hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại trung bình đạt 40,11% so với hiệu quả sản xuất ngoài mô hình (yêu cầu đạt ≥ 20%). Năng suất dong riềng bình quân đạt 83,14 tấn/ha (yêu cầu ≥ 60,0 tấn/ha), tăng 38,57% so với yêu cầu của dự án.
Kết quả triển khai thực hiện dự án đã giúp người dân ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất tăng năng suất đi đôi với việc bảo vệ môi trường thông qua việc sản xuất đầu tư thâm canh, phát triển ổn định diện tích canh tác ruộng, nương giảm thiểu việc khai phá đất lâm nghiệp bảo vệ rừng hạn chế việc mất rừng và suy thoái đất rừng góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái và ổn định sản xuất đảm bảo thu nhập cuộc sống của người dân.
Việc xây dựng mô hình trồng dong riềng giống mới và thâm canh tổng hợp là cơ sở hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác đồng thời nhằm bổ sung, đưa giống dong riềng DR1 vào sản xuất giúp người dân có nhiều cơ hội lựa chọn phù hợp với thực tế sản xuất của hộ gia đình, góp phần nâng cao năng suất và tăng hiệu quả kinh tế. Giống dong riềng DR1 có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, thích ứng rộng và phù hợp với các mô hình canh tác tiên tiến trên đất dốc, xen canh sẽ góp phần hạn chế quá trình thoái hoá đất mở rộng diện tích che phủ, chống xói mòn, tăng độ phì của đất canh tác cây nông nghiệp và bảo vệ môi trường đất dốc./
(Nguồn: Báo cáo tổng kết dự án “Xây dựng mô hình trồng dong riềng giống mới và thâm canh tổng hợp tại miền núi phía Bắc” - PGS.TS Nguyễn Viết Hưng)
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/xay-dung-mo-hinh-trong-dong-rieng-giong-moi-va-tham-canh-tong-hop-tai-mien-nui-phia-bac-a2269.html