Theo kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam, dự báo 90% diện tích đất nông nghiệp ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng và 70% diện tích đất của ĐBSCL bị xâm nhập mặn do hậu quả của biến đổi khí hậu.
Để đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, những năm qua, các địa phương vùng ĐBSCL đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo được những mô hình thành công như con tôm ôm cây lúa, chuyển đổi 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa 1 vụ màu (ngô, đậu bắp…). Mùa vụ thích hợp nhất để chuyển đổi từ lúa sang cây ngô là vụ Hè thu. Việc cơ giới hóa (CGH) sản xuất ngô trong thời gian qua chủ yếu trên đất chuyên canh hoặc đất bãi. Hệ thống thiết bị CGH sản xuất lúa hiện có chưa thể đáp ứng được việc CGH cây ngô trên vùng đất lúa. Do đó việc nghiên cứu, lựa chọn quy trình công nghệ và hệ thống máy CGH và bảo quản trong sản xuất ngô phục vụ tái cơ cấu ngành trên đất trồng lúa 2 vụ tại ĐBSCL là cần thiết.
Với mục tiêu tạo ra được hệ thống thiết bị CGH đồng bộ sản xuất ngô trên đất lúa (từ làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản) phục vụ tái cơ cấu ngành tại ĐBSCL, Ths. Lê Quyết Tiến và cộng sự tại Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã thực hiện đề tài: Nghiên cứu gói kỹ thuật cơ giới hóa sản xuất ngô trên đất lúa kém hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.
Được tiến hành trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2019, đề tài đã lựa chọn nguyên lý, tính toán các thông số của các mẫu máy từ làm đất, gieo trồng, chăm sóc trong sản xuất ngô trên đất lúa kém hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL. Nghiên cứu thiết kế, chế tạo các mẫu máy gieo bón phân viên nén, máy chăm sóc, máy phay gom và gom gốc ngô; Lựa chọn máy liên hợp thu hoạch lúa ngô và hệ thống sấy ngô. Khảo nghiệm đánh giá chất lượng của các mẫu máy cho thấy, các máy được thiết kế, chế tạo và đã khảo nghiệm tại HTX dịch vụ nông nghiệp – Seamul, ấp 9, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đạt các chỉ tiêu đề ra về năng suất, chất lượng. Sử dụng các mẫu máy máy giảm được số lần máy đi lại trên đồng nên tiết kiệm được chi phí cho sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, giá thành sản xuất, tránh được căng thẳng của mùa vụ./
(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và PTNT)