STNN - Cây tre mai được trồng từ rất lâu đời ở khắp các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Trước đây, các hộ dân thường tận dụng đất ở các khe suối, ven đồi để trồng lấy thân cây làm vật liệu và thu hái măng phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình.
Cây tre mai phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương, không đòi hỏi cao về đất trồng, có thể trồng được ở tất cả ở những nơi đất dốc ven sông suối hoặc đất đồi bạc màu. Một khóm tre mai bình quân cho thu hoạch từ 50 đến 70kg măng, với giá thu mua từ 4.500 đến 5000đ/kg măng vỏ. Ngoài giá trị kinh tế thì cây tre mai còn có tác dụng chống xói mòn, bảo vệ đất, chống sạt lở trên các triền đất dốc.
Năm 2020, UBND tỉnh Yên Bái đã chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cho sản phẩm Măng mai của Hợp tác xã Thanh niên xã Lâm Thượng huyện Lục Yên. Năm 2021, sản phẩm măng mai huyện Lục Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyền sở hữu “Nhãn hiệu chứng nhận Măng mai huyện Lục Yên” tại Quyết định số 44136/QĐ-SHTT, ngày 31/5/2021. Sản phẩm măng mai cũng được xây dựng website để quảng bá, có tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code.
Từ những giá trị của cây tre mai mang lại, UBND huyện Lục Yên đã triển khai xây dựng dự án phát triển mở rộng diện tích để trồng cây tre mai và liên kết theo chuỗi giá trị.
Theo bà Nguyễn Hồng Nhung, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên, hiện nay huyện Lục Yên có khoảng 600ha cây tre mai, sản lượng măng hàng năm đạt khoảng 12.000 tấn, mỗi năm thu ước đạt trên 60 tỷ đồng. Nhiều hộ dân có thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng/vụ. Thu nhập từ việc trồng và bán các sản phẩm từ cây tre mai giúp kinh tế nhiều hộ gia đình trở nên khá giả.
Hiện nay, tại tỉnh Yên Bái đã có Công ty Yên Thành đầu tư nhà máy chế biến măng khô, măng muối xuất khẩu sang Nhật Bản đặt tai huyện Trấn Yên; và một nhà máy chế biến măng của Đài Loan đặt tại huyện Yên Bình, mỗi năm thu mua khoảng 5000 tấn măng bóc, ngoài ra, công ty này còn mua cành, lá, cây giống, cây già.
Từ nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, giai đoạn 2023-2025, huyện Lục Yên đã xây dựng dự án tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu tăng từ 600ha lên 1000ha.
Để thực hiện dự án, căn cứ nguồn vốn được phân bổ trong "Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi"; "Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững", UBND huyện Lục Yên đã giao cho các cơ quan chức năng phối hợp với nhà đầu tư để xây dựng dự án liên kết chuỗi giá trị sản phẩm từ cây tre mai để người dân an tâm trồng và phát triển giống cây này.
Ông Hoàng Văn Dũng, một hộ dân trồng tre mai ở thôn Tông Pình Cại, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên cho biết: "Trong nhiều dự án chuyển đổi cây trồng ở địa phương thì việc trồng cây tre mai đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Nhiều hộ gia đình đã giàu lên nhờ cây tre mai. Trước đây, do tự phát trồng và thu hái nhỏ lẻ nên giá cả không ổn định, thường phụ thuộc vào các thương lái. Hiện nay, tỉnh Yên Bái và huyện Lục Yên đã xây dựng dự án phát triển diện tích cây tre mai đưa vào chương trình mục tiêu phát triển cây trồng chủ lực của huyện, nhà nước có hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân liên kết theo chuỗi giá trị, vì vậy, nhân dân lại càng tin tưởng, an tâm hơn khi khi trồng và phát triển cây tre mai trên địa bàn huyện".
Lưu Đức Huấn
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/luc-yen-yen-bai-xay-dung-du-an-lien-ket-chuoi-gia-tri-san-pham-tu-cay-tre-mai-a23336.html