TP.HCM tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị

STNN - Tại chương trình Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân TP.HCM năm 2023 với chủ đề “Nông dân với chính sách phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: TP.HCM tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị.

Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ngày 13/9/2023, UBND TP.HCM đã tổ chức Chương trình lãnh đạo Thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân TP.HCM năm 2023 với chủ đề “Nông dân với chính sách phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM”. Tham dự chương trình có đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; đồng chí Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM; đồng chí Nguyễn Thanh Xuân - Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM.

Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM xác định phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, TP.HCM tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị.

"TP.HCM là một trong số hai địa phương có nhiều thuận lợi về hệ thống phân phối, bán lẻ… Do đó, ngành Nông nghiệp và Hội Nông dân cần tận dụng tối đa lợi thế này để nông sản vào thẳng siêu thị, không cần phải qua trung gian. Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sạch của TP.HCM phải hướng đến nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, xuất khẩu để gia tăng giá trị", ông Mãi nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên Hội Nông dân TP.HCM - Ảnh: Thành ủy TP.HCM.

Bên cạnh đó, về việc xây dựng nông thôn mới, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, TP.HCM cần điều chỉnh quy hoạch, tập trung đầu tư hạ tầng, để phục vụ sản xuất và có điều kiện để hội viên nông dân áp dụng khoa học công nghệ cao. Nghiên cứu các mô hình, các kỹ thuật, công nghệ chế biến, thương mại xuất khẩu và kỹ thuật canh tác, công nghệ thực hành nuôi trồng sản xuất; chuyển đổi nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị… Mặt khác, TP.HCM cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế nông nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi nghề.

Ngoài ra, cũng theo đồng chí Phan Văn Mãi, người nông dân của TP.HCM phải thực sự có mức sống, có đời sống vật chất, tinh thần cao hơn mức bình quân của cả nước. Để đạt được điều này, đồng chí Phan Văn Mãi mong muốn các hội viên nông dân cần trao đổi, đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp của các sở, ngành, các hợp tác xã, các doanh nghiệp và hộ nông dân, để giúp Thành ủy, UBND TP.HCM tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc của hội viên hội nông dân về liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất; xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp; quy hoạch và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tiêu thụ sản phẩm cho nông sản chủ lực...

Cần sớm có chính sách hỗ trợ

Từ các ý kiến góp ý, đề xuất giải pháp của các hội viên nông dân, TP.HCM sẽ có những định hướng chỉ đạo phát triển đúng đắn, phù hợp, góp phần hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn TP.HCM hiệu quả, đạt được các mục tiêu đã được Trung ương, Thành ủy, UBND TP.HCM đã đề ra.

Cũng tại buổi gặp gỡ này, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM đã có báo cáo về một hoạt động của Hội và kiến nghị với các lãnh đạo UBND TP.HCM một số giải pháp để hỗ trợ hội viên nông dân tốt hơn.

Cụ thể, trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân TP.HCM đã tập trung phát huy vai trò là cầu nối giữa nông dân với Đảng, chính quyền trong triển khai thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng phương án sản xuất, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị của TP.HCM đi đôi với tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đặc thù của TP.HCM.

Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM Nguyễn Thanh Xuân đề xuất cần sớm ban hành một số chính sách nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp - Ảnh: Thành ủy TP.HCM.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào trong quá trình sản xuất, chế biến nông sản, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP gắn với nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiềm năng; tích cực tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua do TP.HCM phát động.

Cùng với đó, cán bộ Hội tăng cường đi cơ sở, lắng nghe, nắm bắt những tâm tư nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của cơ sở và cán bộ, hội viên, nông dân để kịp thời tham mưu, đề xuất giải quyết các phản ánh, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của cán bộ, hội viên nông dân. Từ đó, để kịp thời hỗ trợ hội viên nông dân, các doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Thanh Xuân đề xuất TP.HCM nghiên cứu và đề xuất Trung ương bổ sung quy định, tạo hành lang pháp lý giúp nông dân có thể thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp khác để mở rộng quy mô sản xuất; bổ sung quy định cho phép xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp đối với chủ đầu tư là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp vào dự thảo Nghị định về Chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.

Đồng chí Nguyễn Thanh Xuân cũng kiến nghị TP.HCM sớm ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp như như chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị; chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ thành lập mới… là những chính sách đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Đồng thời, triển khai thực hiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trong đó quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM để nông dân an tâm đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, TP.HCM cần ban hành các chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông nghiệp của Thành phố; xây dựng các điểm trưng bày, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái trên địa bàn TP.HCM.

Được biết, theo thống kê từ Sở NN&PTNT TP.HCM, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 của TP.HCM ước đạt 9.089,1 tỉ đồng, tăng 2,15% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,73%); trong đó, trồng trọt tăng 1,36% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,97%), chăn nuôi tăng 0,69% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,23%), thủy sản tăng 5% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,3%). Chuyển dịch cơ cấu: trồng trọt chiếm tỷ trọng 23,2% (cùng kỳ 22,7%), chăn nuôi 39,2% (cùng kỳ 42,8%), thủy sản 30,2% (cùng kỳ 27,5%).

Giá trị sản xuất các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực và tiềm năng chiếm tỷ trọng khoảng 68% so với tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Một số chỉ tiêu, sản lượng các sản phẩm nông nghiệp tăng so với kỳ cùng, như: diện tích gieo trồng rau các loại 10.622 ha (tăng 1,3% so cùng kỳ), sản lượng rau đạt 265.760 tấn (tăng 4,1% so cùng kỳ), sản lượng thịt heo hơi 16.075 tấn (tăng 3,5%), sản lượng tổ yến 9,72 tấn (tăng 4,5% so cùng kỳ), tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng 15.550 tấn (tăng 11,4%).

Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao: Diện tích canh tác rau củ quả ứng dụng công nghệ cao là 459,6 ha, 28 cơ sở chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao với tổng đàn 79.170 con (chiếm khoảng 57% tổng đàn heo), 54 cơ sở chăn nuôi bò và 08 cơ sở nuôi gia cầm công nghệ cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu 56,25 tấn hạt giống rau và 6 triệu con cá cảnh; nhân giống trên 100.000 cây cấy mô (chủ yếu hoa lan), thuần dưỡng và sản xuất 9,5 tỉ con giống thủy sản mặn lợ và 127 triệu con cá giống nước ngọt các loại...

Anh Đức

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/tp-hcm-tap-trung-vao-phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-nong-nghiep-sach-nong-nghiep-do-thi-a24001.html