STNN - Theo quy định của pháp luật hiện hành, để thực hiện một công trình, dự án kinh tế mà cần sử dụng diện tích rừng làm mặt bằng thì nhất thiết phải có bước quan trọng, đó là “phải chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác” (tức không phải mục đích lâm nghiệp).
Bởi lẽ, việc chuyển đổi, đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất sang mục đích khác mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực: Làm mất diện tích rừng, ảnh hưởng đến chức năng bảo vệ môi trường sinh thái của rừng như khả năng giữ nước, trữ carbon, bảo vệ đất và bảo tồn đa dạng sinh học; Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, làm mất cân đối cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp; Ảnh hưởng đến quyền lợi và sinh kế của người dân địa phương có liên quan đến đất rừng đó; Tạo tiền lệ xấu, khuyến khích việc chuyển đổi đất trái phép, làm suy giảm nguồn lực đất đai cho phát triển nông nghiệp; Làm mất lòng tin của người dân vào sự quản lý nhà nước về đất đai, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.
Dù vậy, tình trạng xây dựng trạm cân thu mua lâm sản trên đất lâm nghiệp vẫn xảy ra ở một số địa phương. Ngày 22/07/2023, trang Công an Thành phố Hồ Chí Minh (congan.com.vn) phản ánh, dọc đường Hồ Chí Minh từ huyện Cam Lộ đến huyện Vĩnh Linh ngoài các nhà máy chế biến lâm sản, dăm gỗ được cấp phép thì cũng có nhiều trạm cân trái phép. Hay mới đây, ngày 22/09/2023, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh tình trạng nhiều điểm thu mua keo gắn trạm cân trạm cân được đặt ngay cạnh cửa rừng có dấu hiệu tự phát, gây ảnh hưởng đến môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên địa bàn huyện Như Thanh (Thanh Hóa).
Gần đây nhất, UBND xã Mậu Đức (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) vừa thực hiện công tác kiểm tra về lĩnh vực xây dựng, đất đai trên địa bàn. Qua kiểm tra, đoàn công tác đã phát hiện và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Hoàng Quốc Mạnh (có địa chỉ tại thôn Cây Chanh, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An).
Cụ thể, ông Mạnh đã vi phạm hành chính về pháp luật đất đai khi xây dựng móng trạm cân, cẩu thu mua keo (lâm sản – PV) trên đất lâm nghiệp (chuyển đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép) quy định tại điểm a khoản 2, Điều 10 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai. Biên bản cũng yêu cầu ông Hoàng Quốc Mạnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm hành chính pháp về pháp luật đất đai.
Trước đó, ngày 19/9/2023, UBND xã Mậu Đức cũng đã tiến hành lập biên bản đình chỉ trạm cân của ông Hoàng Quốc Mạnh được xây dựng ở bản Kẻ Trằng (thôn Bán) với nội dung: “Sau khi được sự chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND xã về việc xây dựng trạm cân tại đất của ông Lê Văn Thành, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra tại thực địa, qua quá trình kiểm tra tại trạm cân cho thấy: hiện tại có một tốp thợ đang đào móng, chuẩn bị xây kè, qua kiểm tra giấy tờ về thủ tục thì bên trạm cân không xuất trình được giấy tờ nào. Vậy chúng tôi làm biên bản này yêu cầu bên trạm cân, tổ thợ không được tiếp tục xây dựng khi chưa có sự cho phép của cấp có thẩm quyền, nếu bên nào không chấp hành thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật…”.
Tuy nhiên, công trình vẫn tiếp tục được xây dựng kiên cố và đến nay gần hoàn thiện khiến người dân không khỏi có những thắc mắc. Ông Võ Đình Thành - Chủ tịch UBND xã Mậu Đức cho biết: “Đã xử phạt 4 triệu đồng và báo cáo với huyện”.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Mai – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: “Trường hợp xây dựng trạm cân thu mua lâm sản trên đất lâm nghiệp là trái với quy định. Đồng thời, đã cố tình vi phạm nhiều lần nên UBND xã cần phải ra quyết định xử phạt và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm”.
“Bởi, căn cứ theo khoản 1, Điều 38, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, ngày 19/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính:
“1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm…” – Luật sư Mai nhấn mạnh.
Khi hỏi về điều kiện hoạt động của trạm cân thu mua lâm sản sao cho đúng quy định, Luật sư Mai cho biết: “Để trạm cân thu mua lâm sản được đi vào hoạt động đúng theo quy định, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh cần phải có giấy phép xây dựng, giấy phép kinh doanh, đã được đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, được quy hoạch đấu nối giao thông, đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất,…”
Như vậy, để đảm bảo hoạt động của trạm cân thu mua lâm sản đúng quy định:
Nguyễn Long – Kim Cương
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/tram-can-thu-mua-lam-san-tren-dat-lam-nghiep-co-duoc-phep-hoat-dong-a24185.html